Loading
Tìm kiếm trên Google

Ảnh mới nhất

Thăm dò ý kiến

Bạn suy nghĩ về mức độ thành công của các chương trình mà CLB Tấm Lòng Vàng đã thực hiện ?

bình thường
chưa đạt
tốt
hoàn toàn thành công

Lịch âm

Truyện - tùy bút

Thương hoài cái rét quê mùa (08:48 29-10-2012)

Bùi Thư

Chia sẻ: Kiểu đọc

Xa quê, nhớ gì chẳng nhớ, ai lại đi nhớ rét, nhớ cái mùa khắc nghiệt nhất trong năm. Nói vậy thôi, dường như những gì tác động càng mạnh vào ta, dù là tốt hay xấu, ta lại càng thấm thía, càng nhớ lâu. Mỗi lần nghe như gió mùa đang về ngoài kia, lòng lại chộn rộn như những ngày ấu thơ đang ùa về trong tâm trí.

Bạn có thể nghe bài viết: Thương hoài cái rét quê mùa tại đây

 

Cái lạnh của miền Bắc cắt ra cắt thịt, ấy vậy mà những người nông dân như cha, như mẹ tôi vẫn phải nai lưng ra đồng thu hoạch nốt những nông sản cuối mùa cho kì hết để đón một cái Tết thật yên tâm. Gió thổi rạt những tán cây về một hướng, gió không ve vãn mà quất thẳng vào mặt, vào người những nông dân lam lũ quanh năm. Lũ trẻ con chúng tôi ngày ấy, sẽ mặc thật nhiều áo cho ấm, thả bò trên triền đê cỏ đã úa vì rét, vậy mà lũ bò vẫn cố lê mõm ra vơ lấy vài sợi cỏ khô. Còn chúng tôi, vừa chăn bò, vừa túm năm tụm ba đốt củi sưởi cho ấm. Những cành xoan khẳng khiu trụi sạch lá, cũng bị cái rét làm cho khô như bấc, vừa bẻ từ trên cây xuống mà châm lửa là bén ngay tức khắc, sự ấm áp dần lan tỏa trên từng gương mặt, ánh lửa hắt lên những tia lấp lánh trên từng đôi mắt trẻ thơ. Người lớn thì khác, dưới tiết trời bẳn tính như vậy, họ vẫn phải xắn quần áo, lội bì bõm dưới những luống ngô, hành, khoai tây để chăm bón, mong sao có được một vụ mùa bội thu may ra con trẻ mới có được cái Tết ấm cúng và no đủ.

Cái lạnh đến, đồng nghĩa là Tết cũng sắp đến. Trong nhà, ngoài ngõ, trẻ con đã bắt đầu háo hức, mong chờ. Chúng í ới rủ nhau đi học và đi chơi, tiếng gọi lanh lảnh mang sắc thái tươi vui, không giống như thường ngày. Với trẻ con ngày xưa, Tết cũng giống như một ông tiên có nhiều phép màu kì diệu mang niềm vui tiếng cười đến với trẻ thơ. Tết được nghỉ học, không phải bù đầu với đống sách vở để thức khuya học bài nữa, Tết được mặc quần áo mới, được đi chơi và được nhận lì xì, điều mong chờ nhất của những đứa trẻ mỗi khi Tết đến. Đôi khi chỉ một điều đơn giản như ngày Tết được ăn nhiều bánh kẹo, trong nhà có nhiều thức ăn ngon cũng là niềm chờ mong không nhỏ của chúng tôi ngày ấy.

Thường thì ngày 27 là quê tôi đã bắt đầu rục rịch thịt lợn, có nhà nào nuôi được lợn thì thịt một mình một con, nhà không nuôi được lợn thì đi ăn đụng thịt với nhà khác, thành ra ngày tết tình làng nghĩa xóm cũng được thắt chặt hơn rất nhiều. Năm nào bố tôi cũng để dành riêng một con lợn nuôi từ tháng 8 đến tháng mười hai cũng được chừng 40kg, đủ để nhà tôi và nhà thím đụng thịt ngày Tết. Mỗi nhà thịt lợn đều tính toán để sao không trùng với nhà khác, ví như nhà tôi thịt lợn sáng 27 thì chiều 27 nhà bác mới thịt, làm như vậy để không bị ế cỗ vì nhà nào cũng làm cơm Tết, không có người ăn thì mất vui. Lũ trẻ chúng tôi chỉ chờ mong nhất khi lợn vừa thịt xong, bố tôi và chú bắt đầu đặt con lợn đã thịt ra cái nia có trải sẵn lá chuối tươi để chia phần, đứa nào đứa nấy đều thích thú xúm xít lại xin cái đuôi lợn. Chẳng phải của ngon vật lạ gì, thế nhưng niềm vui thú ấy cứ theo tôi suốt trong những năm tháng tuổi thơ.

 Tôi còn nhớ, bố luôn làm những món để dành ra Tết mà không bị hỏng. Ngoài phần xương cục, xương ống... để hầm trong ba ngày Tết, phần xương sườn còn lại bố tôi mang băm thật nhuyễn rồi ướp với muối, để được cả tháng trời. Sau này dù đã nếm bao nhiêu món ngon nhưng tôi vẫn không sao quên được mùi vị món ăn bố làm cho anh em tôi trong những tháng năm nghèo khó.

Có những thứ không thể mua lại được dù có rất nhiều tiền, đó chính là quãng thời gian tuổi thơ được sống trong tình thương yêu và sự bao bọc của bố mẹ. Tôi gọi đó là kỉ niệm, mà kỉ niệm thì chẳng khi nào phai nhạt bởi nó luôn vẫy gọi ở sâu thẳm trong tim mình. Ngoài trời gió mùa đã về, khẽ trở mình lặng yên nghe nỗi nhớ...

Tản văn của PHẠM THỊ NHUNG( qdnd.vn)

Bình luận (0)

Viết lời bình mới:

Mã bảo vệ : (*)