Loading
Tìm kiếm trên Google

Ảnh mới nhất

Thăm dò ý kiến

Bạn suy nghĩ về mức độ thành công của các chương trình mà CLB Tấm Lòng Vàng đã thực hiện ?

bình thường
chưa đạt
tốt
hoàn toàn thành công

Lịch âm

SÁCH / Thư Viện

Tuyển Tập Tùy Bút Của TRẦN THỊ THANH TÂM(10:59 06-12-2012)

Bùi Thư

Chia sẻ: Kiểu đọc

 

  Tuyển Tập Tùy Bút

    Của TRẦN THỊ THANH TÂM

   Nhà Xuất Bản THỜI ĐẠI – Quý IV - 2012

Gồm 20 bài tùy bút tâm huyết dành cho các con – cháu, học sinh cũ, bạn trẻ và đồng nghiệp đã được ghi lại  trong hơn 20 năm dạy học qua 3 nhiệm sở & gần 40 năm trải nghiệm…

Bạn có thể nghe bài viết: Tuyển Tập Tùy Bút Của TRẦN THỊ THANH TÂM tại đây

 

    alt       

      HÂN HẠNH GIỚI THIỆU

 

         T I N  Y Ê U

 alt

         Tuyển Tập Tùy Bút

    Của TRẦN THỊ THANH TÂM

   Nhà Xuất Bản THỜI ĐẠI – Quý IV - 2012

Gồm 20 bài tùy bút tâm huyết dành cho các con – cháu, học sinh cũ, bạn trẻ và đồng nghiệp đã được ghi lại  trong hơn 20 năm dạy học qua 3 nhiệm sở & gần 40 năm trải nghiệm…

 

 alt

    Cô giáo TRẦN THỊ THANH TÂM

   sinh năm 1940
   Cử nhân Triết ĐHVK Saigon 1966
   Các nhiệm sở đã dạy:
     1969 - 1972: Trung học  Hiếu Thiện (Tây Ninh)
     1972 - 1974: Trung học  Bùi Thị Xuân (Đà lạt)
     1974 - 1991: Trung học Võ Trường Toản (Saigon)
Cô hiện sống ở Saigon từ ngày nghỉ dạy (1991)

Năm 1971 -1972 có quan hệ “kết nghĩa” cùng học sinh Trường NữTrung Học Qui Nhơn ( Bình Định). Đang rất mong nhận được tin của học sinh Trường Nữ Trung Học QN ngày ấy…

Xin liên lạc : (o8) 3894 3263 

 

 alt

 

XIN ĐƯỢC TRÍCH GIỚI THIỆU :

 

  Thư ngỏ gởi

“Học trò phương xa”

 alt

Các em thương mến,

Trong tập Tin Yêu này, mỗi bài cụ thể cô viết cho một em học trò của cô, thế hệ đàn em rất xa của các em, để chia sẻ với các cháu những băn khoăn thắc mắc về một tình huống, một vấn đề cụ thể trong đời sống. Cô đã viết với những “giọt máu trong tim” như lời dạy của một người thầy dạy văn thuở cô còn cắp sách đến trường. Và đây là tặng phẩm của những trái tim dành cho nhau nên cũng có tính cách khá riêng tư. Vì thế cô chỉ góp lại thành tập dành riêng cho các học trò thân thương. Hôm nay nghĩ tới các em, cô muốn tặng phẩm này cũng được dành cho các em. Nhưng làm sao có thể gửi đến cho các em? Chưa bao giờ cô có ý in ra để phổ biến rộng rãi vì cô không muốn biến Tin Yêu thành một thứ cẩm nang học làm người hay một thứ luân lý giáo khoa thư gì đó. Nhưng giờ đây… Thôi thì cô cũng thầm mong có một điều kỳ diệu nào đó xảy ra để Tin Yêu được chuyền tay nhau, một ngày nào đó cũng lạc vào tay người nào đó trong các em. Cô nợ các em một món nợ tình cảm quá lớn. Xin cho cô được trả phần nào…

Các em “học trò phương xa” của cô, đã hơn ba mươi năm qua rồi, chắc các em cũng đã quên chuyện hão huyền năm xưa (năm học 1970-1971 hoặc 1971-1972) khi các em gởi tặng cô một tập nội san của trường nữ trung học Qui Nhơn với ước mong làm học trò phương xa của cô và đã không bao giờ thấy hồi âm. Hôm nay cô chân thành xin lỗi các em. Ngày ấy cô quá bận rộn với đám học trò của cô, có quá nhiều vấn đề cô phải chia sẻ với các em ấy nên cô không làm sao chia sẻ với các em được. Cô tự hẹn sẽ viết thư cho các em, nhưng cứ lần lữa dần dà không viết được và bỏ quên luôn khi năm học đã hết, các em đều ra trường phân tán mọi nơi. Cô thật vô tình. Hẳn là các em đã chờ đợi và thật thất vọng phải không các em? Các em đã có những hành vi thật đẹp mà cô thì thật tệ. Cô đã chỉ là một hình ảnh hão huyền và rồi các em đã quên cô. Chắc là như thế. Nhưng cô, cô không bao giờ quên các em và ân hận không nguôi. Nhất là những năm tháng gần đây, không hiểu sao cô cứ nghĩ đến các em thật nhiều. Việc được gặp các em một lần trong đời cũng đã là hão huyền… Xin cho Tin Yêu đến được với các em như lời tạ lỗi muộn màng của cô đối với các em, đồng thời như một tặng phẩm còn kịp thời cho các con, các cháu của các em…

 

TRẦN THỊ THANH TÂM

 

 Tin yêu

Quà sinh nhật cho Ngh.

 alt

Con thân yêu,

Một cái gì cho các con, nhất là khi các con vừa tròn 20 tuổi. Một cái gì thật cần, thường xuyên như không khí cần cho cơ thể. Cô đã nghĩ nhiều đến điều đó và bối rối vì có biết bao nhiêu là thứ các con cần...

Chính các con, các con đã tiết lộ cho cô thấy điều gì cần thiết cho người lớn lên mãi mà không bao giờ già; điều gì cần nhất cho tinh anh của người được nở hoa kết trái.

Tin yêu! Con ơi, con người cần tin yêu và được tin yêu. Tuổi thơ không còn nữa nếu một lúc nào bóng đen của hoài nghi, sân hận lảng vảng vào hồn. Cô giật mình thấy rõ vì sao có lúc con đăm chiêu mệt mỏi, vì sao bạn con cứ mãi khắc khoải băn khoăn... Đừng, đừng, các con ơi, hãy cứ giữ vững tin yêu cho dù đời đầy gian dối. Cô không nói điều nghịch lý đâu, dù rằng ai cũng nghĩ có được lòng tin yêu và được người tin yêu là còn tùy thuộc vào những điều kiện khách quan. Tin yêu gì, và ai tin yêu mình?

Đúng thế, nhưng con người không phải như một cái cây chôn chân tại một chỗ cố định. Trời không nắng thì lá không xanh, hoa không kết nụ. Đất thiếu mạch nước thì cây cành héo khô tàn tạ. Con người là một sinh thể thật kỳ diệu, quá kỳ diệu đến không thể nào biết được điều đó mà không ngưỡng mộ vô biên Đấng Sáng Tạo. Con người thật diệu kỳ, con có thấy điều ấy không? Con người cùng với vũ trụ tương sinh. Cây không thể gọi nắng, gọi sương, nhưng người, người có thể gieo rắc tin yêu cho lan tràn khắp mọi tương quan. Như phép lạ, tin yêu sẽ lây lan, bừng nở nơi mọi tâm hồn. Một con dế hát, hai con dế hát, nhiều con dế hát... đánh thức mọi sinh hoạt của đêm, một hòa âm lạ lùng của những gì thật dịu dàng, hiền lành và bí ẩn...

Hãy tin yêu, tin yêu chính bản thân mình trước tiên. Ai chẳng tin yêu mình? Tưởng là thế, nhưng không đâu. Lòng tự tin thường hiếm hoi hơn tự phụ, tự mãn... yêu thương chính mình cũng hiếm hoi hơn sự nuông chiều quỵ lụy chính mình.

Con đã cổ vũ cho chủ nghĩa hoài nghi. Con đã đề nghị một nguyên tắc “sống” mà con bảo là của Freud, “hành động – ngờ vực – phân tích, xét nét, ăn năn”. Cô phải nói ngay rằng, Freud tuy là cha đẻ của khoa phân tâm nhưng có phải mọi nguyên tắc ông đề ra đều đúng cả đâu. Nhất là khi ta áp dụng những nguyên tắc đó không để làm gì hơn là hối tiếc những hành động đã thật sự đem đến cho mình những xúc cảm tuyệt vời. Không, không thể như thế được. Đời sống không hình thành kiểu đó được. Đời sống phải là một dòng sinh hóa liên tục từ đó toát ra dáng thanh bình, an lạc. Con không tự tin sao? Khi con hành động, lòng con đâu trống rỗng hư không? Vậy thì những gì đang xảy ra trong tâm hồn con, thúc đẩy con hành động? Đó không phải là những xúc cảm đẹp lòng, đẹp dạ hay sao? Đó chẳng phải là những rung động chân thành của một trái tim thanh cao luôn hướng thượng hay sao? Nếu có một chút gì khác thường, một chút gì đen tối nặng nề, chẳng lẽ con không cảm thấy được để ngăn chặn mọi biểu lộ ra ngoài hay sao?

Khi con phán đoán một điều gì con cho là mình đúng, con có thể ngờ vực điều đó và bắt đầu một chuỗi xét đoán lại mọi khía cạnh của vấn đề. Nhưng khi con xúc cảm thì lương tri có thể cho con cảm nhận ngay tính cách của trái tim mình ở thời điểm đó. Con không phải ngờ vực gì cả. Thật ra, suy nghĩ và tình cảm cũng ít khi tách rời... Suy nghĩ nào cũng kèm theo một tình cảm.

Con có thể căn cứ vào đó để đánh giá suy nghĩ của mình. Con hãy ngắm cánh hoa này. Thật đẹp phải không? Thế là đủ rồi. Sao còn phải thắc mắc, có chắc gì nó đẹp không? Người khác có thấy nó đẹp không? Những màu sắc này có thật hòa hợp không? Nó đâu có đẹp bằng cái hoa kia, sao mình lại thích nó?... Phân tích chi li kiểu đó thì vô cùng. Đôi khi còn làm cho lòng mình thêm nặng nề.

Hãy tự tin. Tự tin từ những rung động của trái tim. Rung động nào cũng đẹp và làm cho lòng thanh thản êm đềm, bay vút lên cao. Những tình cảm thấp kém bao giờ cũng xói mòn gặm nhấm gây sự bất ổn trong lòng... Đừng tự ngờ vực mình như thế. Hãy nhìn ngắm trái tim và lắng nghe nó khuyên nhủ.

Con chưa tự tin, khi con luôn luôn phản tỉnh đầy ngờ vực, cố tìm lý do xấu gán cho hành vi của mình. Tuy nhiên con biết yêu mình. Con đã muốn làm đẹp mình, luôn luôn hướng thượng. Con trau dồi kiến thức cũng như chăm sóc thật kỹ đức hạnh. Con đã biết tìm cho mình thước đo đời sống thật đáng tự hào. Con đã lấy những khoảnh khắc đầy giá trị làm đơn vị. Đó chưa đủ là điều để con tự tin sao? Đó là điều để con đáng tự tin, xin con hãy tin cô (cô cũng phải mở ngoặc ở đây để nhắc con một điều. Con biết luôn luôn tu sửa mình để làm đẹp, nhưng đừng trở thành nghiệt ngã với chính mình, cũng từ đó mà mất tự tin đấy).

Bây giờ cô nói đến tin yêu người. Hôm nọ nghe bài hát “Thương người như thương thân”, lòng cô rung động vô cùng. Cô có cảm giác như hồn thả dài trên chiếc võng đong đưa và như mê đi trong âm hưởng thánh thót quen thuộc, phảng phất tiếng kinh cầu. Tiếng kinh cầu, cô nghe tự bao giờ nhỉ. Phải chăng từ nghìn xưa nào vọng lại. Ai đã tụng niệm trong nhiều thế kỷ? Người, người đã tụng niệm. Người mang trái tim Việt Nam đã tụng niệm, tụng niệm trong vô lượng thời không. Tiếng lòng mình đó, tiếng của bản năng sinh tồn. Thương người như thương thân. Đánh thức bản năng ấy dậy đi. Thương người để mời gọi người cho người biết tự tin yêu... Giúp cho người như ta đã giúp ta lớn lên, nếu người là một sinh thể còn nhiều khiếm khuyết. Rồi ta tin yêu người, nếu người có chút vẻ đẹp nào. Một chút thôi, như một bông hồng, như một bông cúc trắng cũng đã cho ta thấy lòng ấm áp yêu thương muốn ngắm nhìn.

Sẵn sàng tin yêu, ta sẽ đến được với người lành thánh cao quý, ta sẽ được người lành thánh cao quý tin yêu. Đó là điều chắc chắn “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Truy tìm cái đẹp trong cuộc đời, chắc chắn con sẽ khám phá thấy ở bất cứ nơi nào. Không có gì tuyệt đối xấu xa.

Ít nhất con cũng đã tin điều đó phải không?

Tin yêu Người. Bóng dáng Người vẫn còn phảng phất ở bất cứ một cá thể nào. Tin yêu Người để Người tự ngắm nhìn lại mình, để Người ngắm nhìn đến ta. Và những giá trị được khám phá, được khai mở, bội đại hóa mãi lên.

Nếu chúng ta không còn tin yêu nhau, cuộc đời sẽ ra sao? Đã biết đó là điều hiếm hoi, là đốm lửa hồng le lói thì phải biết giữ lấy, nâng niu trân trọng, khẩn thiết khơi cho bùng cháy lên. Sao lại dập tắt ngay trong lòng mình. Nếu tất cả đều hướng ngoại, thất vọng, quay về dập tắt một chút gì còn lại trong ta, thế thì sự suy thoái đời Người, nếu xảy ra, thì chính ta cũng có phần trách nhiệm.

Hãy tin yêu để lòng nhẹ tênh như chiếc lá hồng, để mặc dòng xuôi êm ả hay sóng cuồn cuộn dâng.

Cô dành cho con trọn lòng tin yêu.

Cô cầu mong cho con lòng tràn ngập tin yêu, đời tràn ngập tin yêu, khởi đầu từ một ngày nào đó trên dòng văn hóa luân lưu của loài Người biết tin yêu.

 

 Vào đại học

Viết cho Ngh., Nh. và Nh.Tr..

 alt

Các con đã vừa 18 tuổi. Cô gởi những lời này đến các con để gõ cửa tương lai. Vì đã đến lúc. Vì các con đang sắp bước vào ngưỡng cửa Đại học. Nhiều cánh cửa đã không được mở ra trọn vẹn trong tuổi ấu thơ. Bây giờ phải mở toang tất cả và dũng cảm dấn thân vào những chân trời xa rộng. Các con phải vào Đại học, chắc chắn phải như thế, dù các con có đậu vào một trường nào hay không. Các con phải vào Đại học, dù ở trong nước hay bất cứ nơi nào trên địa cầu. Các con phải học Đại học với tất cả ý nghĩa của nó, hiểu theo bất cứ một nước tân tiến nào trên thế giới, hay theo tinh thần truyền thống học làm người của dân tộc, của phương Đông hay cổ Hy Lạp.

Tuổi của các con là tuổi của ước mơ, tuổi ấp ủ những hoài bão, những lý tưởng không tên. Có những kẻ không bước qua nổi ngưỡng cửa Đại học vì chỉ dừng lại mơ ước nhỏ nhoi tầm thường: đạt được một bằng cấp kỹ sư, bác sĩ, giáo viên, kỹ thuật viên... và có được một địa vị trong xã hội, thế là yên tâm đã nên người. Nhưng các con ơi, những thứ đó không phải là điều kiện đảm bảo những giá trị con người. Trái lại, chỉ có giá trị làm người mới đem đến vẻ tinh anh hoa mỹ cho sự hiểu biết sâu rộng mà thôi.

Cô xót xa ngờ rằng các con chưa bao giờ biết đến thế nào là nuôi dưỡng một hoài bão, một lý tưởng để sống ở đời. Tất nhiên, một hoài bão, một lý tưởng bao giờ cũng có hai mặt. Một mặt huyền ảo quyến rũ, sáng ngời hào quang và cao xa bay bổng cho ta đuổi theo khao khát tưởng chừng không bao giờ đạt được. Nhưng mặt khác, phải khởi từ thực tại và luôn luôn thích ứng với thực tại và biến đổi thực tại không ngừng.

Hoài bão của các con nếu có, ở tuổi các con, chỉ mới có được tính cách thứ nhất. Cần có sự dìu dắt hết lòng, cần có sự bền chí tu tập, cầu tiến khiêm nhường, bổ sung những khiếm khuyết để các con sẽ không chỉ là những đứa trẻ con xây lâu đài trên cát trắng.

Bây giờ, chúng ta hãy bắt đầu từ thực tại. Điều quan trọng đầu tiên là ước mơ của các con, mục tiêu nhất thời các con đang nỗ lực để tiến tới. Các con sẽ là những kỹ sư, và cũng có thể là bác học. Các con cũng có thể sẽ là thầy giáo, cô giáo, là học giả, là nhà ngôn ngữ học...

Thực tại thứ nhì là chúng ta đang sống trong một thời đại mà như Charlie Chaplin nói: “... Sự tham lam đã đầu độc tâm hồn nhân loại, đã dựng lên trong thế giới những rào cản thù hận, đã làm cho chúng ta đi dần đến nghèo đói và tàn sát. Chúng ta đã khám phá được bí quyết của tốc độ nhưng tự nhốt giam lấy mình. Máy móc tạo nên sự phong phú nhưng cũng làm chúng ta nghèo đi. Khoa học đã làm chúng ta trở nên tồi tệ. Sự thông minh khiến chúng ta hung bạo và tàn nhẫn. Chúng ta cần lòng nhân đạo hơn là máy móc. Chúng ta cần đến nhân ái và dịu hiền hơn là cần sự khôn ngoan. Không có những đức tính ấy, cuộc sống sẽ là bạo lực và tất cả sẽ tiêu tan.”

Vậy thì dù học gì, làm gì, trước hết chúng ta phải tìm cho chúng ta đôi vai của người khổng lồ. Những người khổng lồ cả về tim lẫn về óc chứ không phải thuần lý như người khổng lồ(1) của Newton. Người đã đến từ đâu? Người làm thế nào để lớn lên và có thể đứng vững chãi với thiên thu? Người đã sinh ra từ những rung động âm thầm và dịu dàng của những trái tim nhân ái. Người đã lớn lên trong nhất thể bất khả phân ly của hòa âm Chân – Thiện – Mỹ. Người đã mở ra cuộc sống đích thực, lâu dài. Và ngược lại, cuộc sống đích thực dài lâu cũng chỉ mở ra cho Người.

Các con ơi! Hãy mở rộng con tim hướng đến mọi ngõ ngách, hang cùng ngõ hẻm của cuộc đời. Và lắng nghe.

Tiếng bom ở Nagasaki và Hiroshima đã làm cho nhà nguyên tử học Openheimer bỏ việc trong phòng thí nghiệm để cùng với loài người khóc sự hấp hối của lương tri. Dưới chế độ độc tài của Hitler, trong lúc thế giới đang hồi hộp trước viễn ảnh của cuộc chiến tranh khủng khiếp, Đức đã có một nhà bác học nguyên tử – ông Otto Hahns – trình bày với bạn bè một công thức chế bom nguyên tử – một phát minh mới mẻ, một thành công lớn lao của trí tuệ của con người – rồi cùng nhau xé tan thành cát bụi. Đó mới thực sự là người khổng lồ. Openheimer là người khổng lồ của chúng ta. Nhà bác học Đức kia cũng là người khổng lồ của chúng ta.

Các vị ấy mới thật sự là những con người đã qua khỏi ngưỡng cửa đại học để trở thành trí thức, con người văn hóa. Đó là những con người mà lương tri thật bén nhạy trước mọi tình huống, tự do trong suy tư và xúc cảm. Đó là con người học được tính tự chủ, độc lập trong cách sống của mình. Không một xu hướng tập thể mù quáng nào, không một thành kiến của cá nhân nào có thể chi phối mọi sinh hoạt hướng nội hay hướng ngoại của mình.Cô không có ý nói đến những kiểu thức cá biệt, lập dị, lúc nào cũng phải suy nghĩ hành động khác người, chống lại mọi ý kiến, mọi kiến thức khác. Đó là những cá nhân lẻ loi trong cuộc đời vì đó là những ý thức phản kháng thường trực, không bao giờ có sự tán đồng vì họ không chấp nhận bất cứ một thang giá trị nào.

Cô chỉ có ý muốn nói đến một sự mài giũa cho lương tri thật sắc bén để một con người văn hóa có đủ tự do thật sự sống cuộc sống của mình và chính đáng chịu mọi trách nhiệm về cuộc sống đó. Những con người đó đã sống cuộc sống của mình như một người học trò thấu hiểu cách giải một bài toán khó mà chính mình đã tìm được cách giải đó chứ không phải là đã hiểu sau khi được thầy giảng giải.

Người học trò như thế được gọi là thông minh. Con người đạt được tự do, tự chủ tối đa thì được gọi là con người văn hóa.

Sự thông minh thông thường dường như được cho là bẩm sinh nhiều hơn là rèn tập mà có được. Nhưng tính cách văn hóa của một con người thì có thể tu tập mà có được như Đức Phật Thích Ca đã tin rằng mọi chúng sinh đều có thể thành Phật.

Con người văn hóa, đó là lý tưởng của muôn đời. Vậy thì các con vào đại học để học tập bài học “Tự biết mình” (“Connais-toi toi-même”) của Socrate, học bài học “Làm sáng đức sáng” (“Đại học chi đạo tại minh minh đức”) của Khổng Tử. Trước hết là để đáp ứng nhu cầu của thời đại, nhu cầu mà Charlie Chaplin khẩn thiết mong cầu. Và sau nữa là đương nhiên tạo một nhu cầu cho chính mình, một hoài bão, một lý tưởng để sống.

Cô mời gọi các con, sống cuộc đời ngắn ngủi của mình bằng những giá trị vĩnh cửu của con người. Và ngược lại, hãy để cho những giá trị vĩnh cửu đưa kiếp người ngắn ngủi của chúng ta tham dự vào dòng sống xanh tươi, bất tuyệt của nhân loài.

 

TRẦN THỊ THANH TÂM

Bình luận (0)

Viết lời bình mới:

Mã bảo vệ : (*)