Loading
Tìm kiếm trên Google

Ảnh mới nhất

Thăm dò ý kiến

Bạn suy nghĩ về mức độ thành công của các chương trình mà CLB Tấm Lòng Vàng đã thực hiện ?

bình thường
chưa đạt
tốt
hoàn toàn thành công

Lịch âm

Truyện - tùy bút

"Bóng trăng dưới lòng ao"(21:20 22-02-2013)

Bùi Thư

Chia sẻ: Kiểu đọc

Ngày Nam biết đến triết lý Phật giáo thâm sâu, cuộc đời Nam như sang một trang mới. Cái mong ước thầm lặng của tuổi thơ về một lí tưởng sống cao đẹp được sống lại. Hãy tự thắp đuốc lên mà đi - những giây phút đầu tiên khi được nghe những lời khai thị từ một chư Tăng, cả đêm ấy cậu không thể ngủ được vì rạo rực, mừng vui.

Bạn có thể nghe bài viết: "Bóng trăng dưới lòng ao" tại đây

Nam ngồi đó, lòng tĩnh lặng như mặt nước ao kia!

Mọi thứ với cậu dường như không còn vướng bận lắm, tất cả rất vô thường nên dù có cũng được mà không có cũng chẳng sao. Trên bờ tường ngăn cách với nhà hàng xóm vào buổi chiều tà, rặng tre và cây ngái dại soi cái bóng mờ nhạt của mình xuống chiếc ao phía dưới. Bóng của Nam cũng vậy, không có sự khác biệt.

Nam sống khá nội tâm, bề ngoài ít nói nhưng bên trong rất giàu tình cảm. Nhiều người nói cậu thừa hưởng điều đó từ ông nội và mẹ. Từ nhỏ cậu luôn có ý niệm thường trực về một đời sống vuôn tròn, ở nơi đó không có người bạn cơ bắp bắt nạt các bạn nhỏ yếu, không có các chú thanh niên cấp 3 cứ tan trường là đánh nhau, không có những điều khiến người làm tổn thương người. Cậu luôn mong muốn có một lí tưởng nào đó, có một ai đó có thể dắt tay cậu đi chỉ cho cậu đây là con đường đi tới cái chân thiện mỹ cùng những việc chi tiết cần phải làm… tuổi thơ cậu luôn thổn thức với những mong mỏi ấy.

Cuộc đời đi theo năm tháng qua, lòng người mau phai như cánh hoa. Giấc mơ tuổi thơ ấy tạm khép lại thay cho một đời sống hối hả với những ngày cày ải trên từng trang sách để thi đại học khi Nam theo bố ra thành phố. Suy dinh dưỡng từ nhỏ nên Nam không được thông minh lắm, nhưng cậu luôn có ý thức lấy sự chăm chỉ để bù trừ, phải chăm chỉ để đỗ đại học cho bố mẹ ông bà và gia đình tự hào. Một bằng chưa đủ cậu học đến hai bằng, những cày ải thật mệt nhọc. Rồi khi  ra trường cậu lao vào kiếm tiền với những công việc kinh doanh bận rộn, cậu chấp nhận nó như một xu thế tất yếu của cuộc sống. Thử nhìn xem, xung quanh ai cũng vậy, Nam tặc lưỡi cho qua. Mà hơn hết nhà cậu còn nghèo, nhìn dân thành phố sống xa hoa Nam cũng mong muốn một ngày mình cũng giúp cha mẹ ông bà được hưởng thụ một đời sống như thế, ăn ngon mặc đẹp, nhàn nhã, phong thái đoan trang. Có những thời điểm Nam cũng hả hê lắm với những thành công trong việc tìm kiếm bạn hàng, được cấp trên khen thưởng, thấy được số tiền trong tài khoản của mình tăng lên khá nhiều, rồi những lời hứa hẹn của những người đi trước về một tương lai tươi sáng. Tuy nhiên công việc càng thuận lợi thì áp lực cũng tăng lên, Nam không còn những giấc ngủ ngon, mất đi sự cân về tinh thần. Cậu bắt đầu thấy chán khi phải giải thích và trình bày, chán những điều tiếng phía sau lưng cùng những hơn thua tranh rành quyền lợi giữa đồng nghiệp với nhau trong những buổi thuyết trình, họp bàn ở công ty. Cuộc sống của Nam cứ nặng nề như vậy trôi đi, cho đến một ngày… bước ngoặt.

Hình như cuộc đời mỗi con người luôn có những khúc cua ngã rẽ mà khi nhìn lại chính người đó cũng không hiểu tại sao, sự thay đổi đột ngột ấy đến như một định mệnh. Ngày Nam biết đến triết lý Phật giáo thâm sâu, cuộc đời Nam như sang một trang mới. Cái mong ước thầm lặng của tuổi thơ về một lí tưởng sống cao đẹp được sống lại. Hãy tự thắp đuốc lên mà đi - những giây phút đầu tiên khi được nghe những lời khai thị từ một chư Tăng, cả đêm ấy cậu không thể ngủ được vì rạo rực, mừng vui.

Nam thành tâm qui y Tam Bảo, cố gắng sống, làm việc, giữ giới, ăn chay trường, thực tập thiền định tinh tấn. Nguyện sống một đời tươi mát trước tiên cho chính mình, để rồi sau đó không chỉ cho riêng mình. Cậu nhận ra rằng, cha mẹ ông bà com cóp cho cậu đi học lên thành phố không phải để cậu lao đầu vào sự tàn hoại thân tâm của công việc kiếm tiền, không phải để mong cầu mai sau cậu thành tựu rồi phụng dưỡng họ chu đáo, cậu không phải là món đầu tư tài chính nào đó của gia đình cậu. Những người thương của cậu đã khổ cả một đời, từ thời Pháp thuộc, hai cuộc chiến tranh giải phóng… họ mệt mỏi với ước mơ giàu sang, họ chỉ mong mỏi con cháu họ được ăn học đầy đủ, thứ mà ở thời của họ thực sự xa hoa. Họ mong cậu sống một cuộc đời đạo đức nhân nghĩa, trung thực thẳng thắn, đói cho sạch rách cho thơm như chính họ đã và đang sống. Nhớ lại ông nội Nam cười rất hiền từ trong mỗi lần Nam rời xa gia đình và nói rằng “Cháu làm gì thì làm, đi đâu thì đi nhưng nên giữ cho được truyền thống gia đình”. Mẹ Nam luôn nói rằng “Dù con làm gì, mẹ luôn đặt niềm tin tuyệt đối vào con”. Trong thâm tâm người thương luôn tin chắc Nam sẽ không bị cuộc sống xô bồ với vô số giá trị ảo ngoài kia làm gục ngã. Điều rất đơn giản mà phải đợi tới nay Nam mới nhìn cho ra, Nam rơi nước mắt vì tấm lòng của người thương, của gia đình mình. Nam rơi nước mắt cho những tháng ngày vụng dại, đi như chạy, chạy như bay để tìm cầu những thứ không đáng tìm cầu.

Màn đêm xuống từ bao giờ, Nam đong đưa chân, ôi chao trăng đã sáng dưới lòng ao. Ngẩng đầu lên, trăng Vu Lan sáng vằng vặc, đẹp nhiệm mầu. Nam mỉm cười. Ngày mai, cậu lại đến viện với ông sau khi phóng sinh hồi hướng cho những người thương của mình. Nam đang có một gia đình tâm linh vững chãi, Nam đang còn một gia đình huyết thống ngập tràn yêu thương, Nam sẽ sống sâu sắc cho gia đình Nam hiện tại, ngày mai sẽ không còn những hối tiếc.

 

Tịnh Dũng

 

Diễn đàn Phật học Vườn Tâm phát động chuyên mục “Phật Pháp trẻ” dành cho tất cả quý chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử tại Việt Nam. Với mục đích chia sẻ những kỷ niệm, cảm nhận, suy nghĩ của tuổi trẻ về Phật pháp, cách hành trì, ứng dụng Phật pháp vào đời sống…

Bài tham gia được viết dưới dạng văn xuôi, không quá 1200 chữ. Mỗi tuần sẽ chọn ra một bài viết hay để đăng trên trang nhà www.vuontam.net; và trên chuyên mục Phật Pháp trẻ của www.daophatkhatsi.vn. Nếu trong tuần có nhiều bài chất lượng tốt, thì sẽ được đăng lần lượt trong các tuần tiếp theo. Bài viết chọn đăng sẽ nhận nhuận bút 100.000 đồng và quà tặng từ Diễn đàn Phật học Vườn Tâm. 

Bình luận (0)

Viết lời bình mới:

Mã bảo vệ : (*)