Loading
Tìm kiếm trên Google

Ảnh mới nhất

Thăm dò ý kiến

Bạn suy nghĩ về mức độ thành công của các chương trình mà CLB Tấm Lòng Vàng đã thực hiện ?

bình thường
chưa đạt
tốt
hoàn toàn thành công

Lịch âm

Chia sẻ & Tâm sự

Ăn chay(10:15 01-03-2013)

Bùi Thư

Chia sẻ: Kiểu đọc

Ăn chay để nuôi dưỡng lòng từ bi và bảo vệ sự sống của muôn loài. Đã là đệ tử Phật thì luôn thu thúc thân tâm sao cho phát triển lòng từ bi, nhưng thương yêu bản thân, gia đình bè bạn và những người tốt với mình hay con người không thôi là chưa đủ, lòng từ bi phải được phủ trùm lên các loài vật, sự sống. Đệ tử phật hay nguyện câu “thương yêu cả thảy chúng sinh” và ăn chay trường là cách người Phật tử tu tập để hiện thực hóa cao nhất lời nguyện.

Bạn có thể nghe bài viết: Ăn chay tại đây

 

Thế giới ngày nay có rất nhiều vấn nạn mang tính đại thể, hành động của mỗi người có khả năng tác động tích cực hay tiêu cực lên những vấn nạn ấy. Ngoài kia rừng đang bị phá, đáy biển đang bị nạo vét, thú rừng hải sản đang bị cưỡng bức về với đồng bằng và lên cạn. Đất nước Việt trong sách tiểu học ngày xưa dạy “rừng vàng biển bạc” nay không còn rồi, hành tinh xanh đang dần mất đi mầu xanh đích thực. Nhiều tổ chức phi chính phủ kêu gọi những hành động xanh tạo lập một cuộc sống xanh, ngăn chặn sự cạn kiệt tài nguyên rừng, biển và sự tuyệt chủng của các loài thú vật, nhưng tài nguyên không vì thế mà được khai thác chừng mực, sách đỏ không vì thế mà không dầy hơn. Mình có thể chưa đủ điều kiện tham gia những dự án vĩ mô như vậy, tuy nhiên mình vẫn có thể đóng góp một phần không nhỏ cho đích đến cuối cùng của các dự án ấy bằng sự thực tập trong việc sinh hoạt hằng ngày của mình, cụ thể là ăn chay.

Ăn chay ngày nay được nhiều người thuộc nhiều thành phần, lứa tuổi, giới tính, sắc tộc lựa chọn như là một hình thức góp phần làm giảm sự nóng ấm toàn cầu và giảm sự sát hại các loài thú rừng, thủy hải sản. Ngoài ra đây còn được xem như hình thức chữa bệnh, tăng cường sức khỏe với chế độ ăn vừa phải theo một công thức nhất định mà các chuyên gia dinh dưỡng chỉ định. Người theo tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo thì ngoài những điều ấy, ăn chay còn là một phương tiện để thực tập. Những thành phần không ăn chay thì coi việc ăn chay là khổ, là hành xác, là tiêu cực, thiếu thực tế. Người thấy rằng phải ăn máu thịt của các loài vật thì mới bổ dưỡng, dưỡng gân bổ cốt tăng cường sinh lực và nếu có ai đó nói về lợi ích của việc ăn chay thì người cho rằng mình là người trần mắt thịt, nên cứ ăn đi. Mình không trách người đó được vì như một cháu bé mới sinh ra được 1 tháng tuổi, người lớn đã làm một lễ mừng sự ra đời của cháu bằng những bữa ăn rình rang tràn trề thịt thà, trong cả quá trình lớn lên của cháu bé sẽ có bao nhiêu những ngày lễ, ngày mừng, rồi những bữa ăn hằng ngày như thế. Nó thành lối sống, thành văn hóa, thành quan điểm gốc của cháu, mà nếu cháu có ý nghĩ khác đi một chút thì số đông xung quanh sẽ có nhiệm vụ giúp cháu về với “thực tại”. Mình có thể nhìn ra rất nhiều những “cháu bé” như thế xung quanh mình.  Chỉ thấy thương mà thôi.

Vấn đề lớn nhất của việc ăn chay mà đại đa số người quan tâm có thể nói tới sức khỏe. Nếu ăn chay mà ai cũng khỏe mạnh hơn thì chắc không có những “cháu bé” kia. Có người cho rằng đã xác định ăn chay (trường) thì mình phải biết rằng sức khỏe mình sẽ kém đi, chỉ trừ trường hợp một số rất ít những người có thể chất phù hợp với việc ăn này, nên họ khỏe mạnh hơn mà thôi. Có người thì luôn xiển dương ăn chay, ăn chay hoàn toàn tốt cả về ý nghĩa lẫn sức khỏe của nhân thực. Mình là người nghe nếu đang có dự định ăn chay sẽ chần chừ với việc lợi ích này, nhất là ăn chay trường. Tuy nhiên chỉ cần quan tâm một chút là mình có thể tìm hiểu khá rõ ràng về cách ăn làm sao cho phù hợp, vừa ý nghĩa, vừa có được sức khỏe.

Có nhiều loại, phương pháp ăn chay. Có người ăn thực vật và thịt trắng, coi đây là ăn chay, thường kiểu ăn này thịnh hành ở các nước phương tây. Có người ăn thực vật, mật ong, trứng chưa thụ tinh và sữa. Có người ăn thực vật, mật và sữa mà thôi. Có người chỉ dùng nguyên thức ăn từ thực vật nhưng ăn theo giai đoạn, có thể đó là 1 tháng trong năm, thường là tháng 7 âm lịch hoặc ăn vào mùng 1 hôm rằm và các ngày lễ, vía các chư Phật, Bồ tát… Cuối cùng là người ăn chay hoàn toàn bằng thức ăn có nguồn gốc từ thực vật, trường kì trọn đời. Và những người này thường chịu nhiều nhất búa rìu từ những “cháu bé” kia. Người ăn chay trường, không kể những người ăn lý do bắt buộc của bệnh tật, thì hầu hết là niềm tin tôn giáo, dựa vào việc ăn để thực  tập pháp tu của mình. Việc ăn chay đúng cách mang lại cho họ thật nhiều lợi lạc và ý nghĩa.

Lợi ích của việc ăn chay trường đúng cách

Ăn chay để nuôi dưỡng lòng từ bi và bảo vệ sự sống của muôn loài. Đã là đệ tử Phật thì luôn thu thúc thân tâm sao cho phát triển lòng từ bi, nhưng thương yêu bản thân, gia đình bè bạn và những người tốt với mình hay con người không thôi là chưa đủ, lòng từ bi phải được phủ trùm lên các loài vật, sự sống. Đệ tử phật hay nguyện câu “thương yêu cả thảy chúng sinh” và ăn chay trường là cách người Phật tử tu tập để hiện thực hóa cao nhất lời nguyện. Thực tế sẽ khó lắm, trầy trật lắm để có thể thương yêu được muôn loài, vì trong đời sống ai cũng có lúc giận hờn, oán ghét do mình còn là phàm phu. Tuy nhiên khi thực hành được, yêu thương được chút nào thì mình hãy thực hành. Nhiều giọt nước, liên tục sẽ làm thành một cơn mưa.

Nhiều giọt nước làm thành một cơn mưa, nhiều bữa cơm chay sẽ làm thành một đời sống xanh, trái đất vì thế có thể sẽ không nóng mà trở thành ấm áp. Có lẽ không cần phải giải thích trình bày gì chi tiết vì ai xem thời sự, đọc báo cũng có thể thấy được việc sử dụng những sản phẩm, nhất là các thực phẩm mặn được chế biến bằng công nghiệp sẽ làm cho nền công nghiệp chế biến ngày một phát triển hơn, các khí thải chứa đầy C02, CO gây hiệu ứng nhà kính, thủng tầng Ozon, băng bắc và nam cực tan là từ đây. Gần đây VTV2 đài truyền hình Việt Nam có một đoạn phóng sự ngắn về việc Việt Nam trở thành 1 trong 5 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi biến đổi khí hậu, nhất là khi nước biển dâng, đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị xâm thực mặt 70% diện tích khi biển dâng thêm 1m. Nếu mình không thích đao to búa lớn như vậy mình có thể nhìn vào lợi ích trước mắt rằng ăn thức ăn được chế biến từ thực vật sẽ tiết kiệm vô cùng cả về chi phí lẫn thời gian, ngoài ra nó ít cầu kì, dễ chế biến. Có Phật tử là sinh viên ở Sài Gòn nhờ việc ăn chay trường mà tiết kiệm mỗi tháng được cả triệu đồng, cậu được no bụng mỗi ngày và không phải đi ra những quán ăn ồn ào vào những trưa nắng gắt của Sài thành, tổng thời gian đi chợ, chuẩn bị, nấu cơm của cậu chỉ mất 1h30’ cho cả 3 bữa ăn. Với ai đó không to tát gì nhưng với bản thân hoàn cảnh của cậu việc đó thật to lớn, cậu có tiền mua sách, đi cúng dường chùa, kết bạn được với nhiều người có cùng đời sống như cậu.

 

Ăn chay đúng cách sẽ mang lại sức khỏe tốt

Ăn chay trường giúp tâm hồn và cơ thể được thanh tịnh và khinh hơn. Gương mặt sáng láng hơn nhất là với những người nhiều mụn, sẽ thấy sự hiệu quả rõ rệt của việc ăn chay. Nếu là người chay trường thì tính cát của mình sẽ từ hòa đi nhiều lắm. Cơn gió miền quê sở dĩ mát mẻ vì trong gió thường có nhiều hơi nước, mình từ hòa, nhẹ nhàng hơn vì mình được nuôi dưỡng từ những thứ trong lành, mát dịu. Sự thanh tịnh và nhẹ nhàng của mình không phải chỉ là cảm thọ, mà có thể thấy qua tần xuất hoạt động của năng lượng tình dục. Với người trẻ thì năng lượng tình dục là một trở ngại rất lớn trong việc thực tập, ăn chay trường năng lượng tình dục sẽ giảm đi rõ rệt, nếu là người đã ăn chay được 1 năm rưỡi trở đi mình có thể thấy nó chỉ còn 1/3 và có khả năng giảm hơn nữa, thời gian biết mình biết chuyển hóa năng lượng, tiết chế năng lượng, không dính mắc vào ái dục là một hạnh phúc mình không thể ngợi ca bằng văn từ, mình chỉ biết ngồi xuống theo dõi hơi thở và niệm “thở vào con biết con đang không dính mắc vào ái dục, thở ra con biết con đang hạnh phúc”. Đây là một thành tựu có sức nuôi dưỡng  rất lớn của người tu.

Lợi ích của việc ăn chay trường có thể còn rộng lớn hơn nữa mà với sự thực tập còn hạn chế mình chưa thể nhìn ra hết được. Tuy nhiên một vấn đề bao giờ cũng có hai mặt, ăn chay trường sẽ rất tác hại nếu ta không biết ăn đúng cách, đúng cách nghĩa là sao? Ở bữa ăn của các tu sĩ trong hệ thống thiền viện Trúc Lâm bữa ăn chay được chế biến rất ngon và đầy đủ, chỉ ăn 2 bữa một ngày nhưng mình thấy khỏe mạnh, đầy đủ năng lượng mình biết rằng ở thiền viện như thế quý thấy có những đầu bếp am hiểu về dưỡng chất, chế biến thay đổi làm sao việc ăn uống đảm bảo dinh dưỡng cho đại chúng. Đối với chúng ta, lựa chọn chế độ ăn phù hợp với thể tạng của mình, mình có thể tạng âm sẽ ăn khác, thể tạng dương sẽ ăn khác… thì cần có sự tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng. Có một bác sĩ đông y trẻ tuổi, sức lực rất cường tráng. Thời gian anh này ăn chay trường cùng gia đình để hồi hướng cho người thân vừa qua đời, ai cũng sợ rằng việc ăn chay này sẽ làm anh gầy yếu đi tuy nhiên ngược lại, anh còn tràn trề năng lượng và làm việc tốt hơn. Sở dĩ như vậy vì anh tuân theo nguyên tắc từ hồi tự nấu ăn thời sinh viên là bữa ăn nào cũng đảm bảo ít nhất 5 mầu sắc khác nhau từ những thực vật khác nhau. Đây cũng là cách ăn đơn giản và hiệu quả.

Vậy tác hại của việc ăn chay không đúng cách, nhất là với đối tượng ăn chay trường? Mình phải đối diện với điều này, vì có thể mình cũng sẽ là nạn nhân của nó.

Tác hại của việc ăn chay trường không đúng cách

 Kinh nghiệm thực tế cho thấy một vài người ăn chay nhiều ngày bằng nước tương xì dầu, rau luộc hay những món đạm bạc quá mức sẽ khiến cơ thể bị suy kiệt dần dần, mang những thứ bệnh không thể chữa lành hoàn toàn được.

Ở chùa Phước Thọ, Km42 huyện Eakar tỉnh Đăklak có một ông cụ đã già lắm, mộ đạo lắm. Nhà ông gần chùa Phước Thọ nên ông ngày đêm hương khói, lau dọn, trông coi ngôi chùa những khi vị trụ trì đi vắng. Đồ dùng sinh hoạt giản dị và ăn uống rất đạm bạc. Có những buổi chiều lên chùa thấy ông chỉ ăn cơm không với nước tương, hoặc nước tương kho với chuối chín. Ông Bảy là người thật sự không có nhu cầu hưởng thụ miếng ăn ngon, nhưng đó lại là lí do chính khiến sức khỏe ông không được tốt lắm. Lại có một cư sĩ tại gia, từ ngày ăn chay chỉ ăn cơm với rau muống luộc, thỉnh thoảng có thêm miếng đậu phụ, nước tương hoặc vài món đạm bạc khác, người này dần gầy yếu xanh xao hơn, cơ thể thường xuyên mệt mỏi và bị âm hóa dần dấn dẫn đến huyết áp thấp. Người này ăn uống vậy vì muốn tiết kiệm, và cũng do có một quá khứ hưởng thụ quá lớn cho nên giờ muốn đày ải thân xác mình  chịu khổ để cho bớt nghiệp đi.

Mình là thanh niên tìm tới ăn chay để giảm thiểu năng lượng tình dục, cản trở việc thực tập thiền định, mình tìm tới rau răm, đậu phụ, sữa đậu nành thường xuyên để đẩy nhanh tiến trình giảm thiểu năng lượng, điều này dẫn tới mất cân bằng năng lượng. Mình có thể phần nào đạt được mục đích nhưng vì không đúng cách nên cơ thể thường xuyên mệt mỏi. Các triệu chứng mình thường gặp phải như: mệt mỏi gầy yếu xanh xao, thường nhạt miệng. Khi mệt mỏi quá nhất là sau khi đi xe máy một quãng đường dài có cảm giác buồn nôn, sợ lạnh hoặc không chịu được lạnh kể cả ngồi trong điều hòa, đó rất có thể là biểu hiện của chứng huyết áp thấp, lúc này đo huyết áp mình sẽ thấy điều này. Giảm mức tập trung, trí nhớ sa sút, dễ căng thẳng, giọng nói bị hụt hơi hoặc khàn đặc. Các hậu quả về tâm lý có thể thấy là thờ ơ lãnh đạm với mọi việc mà mình hay tưởng ra là mình đã có chuyển biến về tâm đã bình thản với mọi sự đời. Việc tu tập thiền định dễ bị hôn trầm, giấc ngủ bị mê mệt, mộng mị. Còn có thể nhiều rối loạn khác nữa, tùy theo mức độ tổn hại của việc thiếu dinh dưỡng gây ra.

Vì bất kì một lí do nào, không có nhu cầu hưởng thụ sự ngon miệng trong miếng ăn, muốn giảm nghiệp, hay giảm thiểu năng lượng tình dục… mình cần bình tĩnh và sáng suốt để tìm cho mình một chế độ dinh dưỡng đủ chất nhất. Thân tâm nhất như, Đức Phật đã không đi hết con đường hành xác để giác ngộ tâm là vì đó là ngõ cụt, mình phải nhận ra cho được. Thân thể là đền thờ tâm linh, đừng vì một tri giác sai lầm nào đó mà thờ ơ đền thờ tâm linh của mình. Tuy mình chưa thực thấy ai đó vì ăn chay trường quá độ mà dẫn tới những hậu quả không thể cứu vãn nhưng mình phải cảnh giác về điều đó. Chỉ cần bỏ ra một chút thời gian xem xét về chế độ ăn, hoặc nghe ngóng cơ thể một thời gian đủ dài, mình sẽ biết phải làm thế nào cho hợp lý. Ví dụ bữa ăn ngũ sắc như anh bác sĩ y học cổ truyển kia là một cách có thể sẽ phù hợp với nhiều người.

Những trở ngại trong sự ăn chay trường

Có thể mình đã vượt qua việc tìm ra khẩu phần, chế độ ăn phù hợp với mình rồi. Mình không còn bị những tác hại của việc ăn thiếu dinh dưỡng làm khổ, tuy nhiên còn nhiều những suối đèo khác mình cần phải vượt qua.

Trở ngại đầu tiên, nhất là đối với những người nam to khỏe, sức vóc. Họ thường bị đói rất nhanh, nhạt mồm nhạt miệng, ăn không ngon đối với các thực phẩm chay. Đối với họ đó quả thực là cực hình. Trong các bài giảng của các vị giảng sự về ăn chay, thỉnh thoảng có những câu chuyện như ăn chay tính giờ, đợi qua 12h đêm là vào nhà bếp ăn cho thỏa thích, cho bõ thời gian ăn chay vừa qua. Khi đói, khi ăn không ngon miệng mình dễ mất ý thức và lao vào điều gì đó có thể giúp mình giải quyết ngay tình trạng này. Dẫn đến việc ăn chay khó mà thành được như tâm ban đầu mong ước.

Trở ngại thứ hai là do tập khí ăn uống trước đó của mình còn tồn dư bên trong. Mỗi khi nhìn thấy, ngửi thấy những mầu sắc, hình dáng hay hương vị của những món ăn từ huyết nhục động vật thì mình thèm thuồng. Mình có vượt qua được hay không còn phụ thuộc vào mức độ thèm thuồng của mình đến đâu. Mình có thể là người ăn chay được một thời gian đã rất dài, nói về lợi ích của việc ăn chay rất hay nhưng thực tế có điều kiện ăn mặn mình đôi khi không nhịn được vì sự thèm thuồng này. Mình luôn có những lí do cho những lỗi lầm.

Trở ngại thứ ba là do hoàn cảnh, là do các “cháu bé” tác động. Mình là người trần mắt thịt thôi ăn thì cứ ăn! Ăn một miếng thì có chết ai. .v.v Sự khuyến khích hay chê bai châm biếm của những “cháu bé” ấy khiến mình không giữ được bình tĩnh, hoặc muốn cho qua sự phiền hà ấy bằng cách ăn một miếng cho họ bớt rầy rà, phiền hà. Mình có thể ăn dù trong tâm mình không muốn, nhưng thực tế không thể chối cãi là mình đang nhai nát máu thịt của chúng sinh. Tối mình về sám hối là xong thôi ư?

Trở ngại cuối cùng có thể nói tói nghiệp, vì mình không thể ăn chay do bệnh tật, hoặc do cơ địa của mình như vậy. Trở ngại này mình chỉ nên thuận theo và dần tu tập để chuyển hóa dần dần, mình đâu biết làm gì hơn.

Ngoài vấn đề do nghiệp thực thụ, tất cả những trở ngại còn lại phụ thuộc vào ý chí, nghị lực của mình. Những trở ngại sẽ khiến cho mình nếu không vượt qua được, không thực thấy và hưởng thụ được những lợi ích, ý nghĩa và hạnh phúc của việc ăn chay trường. Mình có thể ăn bữa này bữa nọ, mình có thể vẫn thấy hạnh phúc trong chừng mực nào đó vì mình có chánh niệm và mình nghĩ chỉ cần có chánh niệm thôi thì ăn gì cũng được, không cần câu nệ. Tuy nhiên mình không phải là các vị thầy, mình đâu tu tập được như các vị, mình còn quá non nớt, ngu dại, dính mắc. Dính mắc mà không biết mình dính mắc. Mình vẫn phải tự vấn với chính mình: Mình có thể chấp nhận được sao khi trong miệng mình đang nhai nát thịt xương của loài vật? Tình thương mình đâu mất rồi? Mình có thể tự biện luận rằng mình đã đạt tới mức độ buông bỏ chay – mặn, và thấu được lý vô thường nhưng mình có thể ăn con chim bồ câu chết vào miệng rồi lại thả một con chim bồ câu sống ra đằng miệng như vị đại sư phụ nào đó trong nhà thiền hay không? Thực ra mình đang biện luận cho mình là mình đang đánh mất mình, mình bị dục lạc lôi kéo rồi. Lúc đó mình đáng thương lắm. Mình ơi, xin đừng lần nào dễ duôi nhé. Xin nhớ lời thầy hay nhắc nhở cho mình!

Mình có thể biến việc ăn uống này trở nên ý nghĩa và đạt được thêm những mục đích khác ngoài việc ăn vì sức khỏe hay môi trường. Tu dưỡng thân tâm trong việc ăn. Sư ông Làng Mai thường nói đại ý rằng ăn chay với người tu không phải là ăn một cách nhồm nhoàm, tống khứ tất cả mọi thứ vào chiếc dạ dày tội nghiệp, không kể giờ giấc và loại thức ăn. Vào một quán ăn chay, mình vô tình thấy một ai đó ngồi lặng yên trước một bát bún riêu một lúc sau đó ăn trong im lặng, từ tốn và chậm rãi, không gian quanh họ dường như bớt đi sự ồn ào, nhộn nhịp của quán ăn, không khí dễ thở và bình yên hơn. Mình hãy đừng ngăn cản bữa ăn của họ bằng những câu hỏi dò xét để thỏa mãn tính tò mò của mình, không phải vì “trời đánh tránh miếng ăn” mà vì đó là một bông hoa đẹp trong một bụi mận gai. Nơi quán ăn thường ồn ào, có người chịu ăn trong im lặng, chậm dãi, sự im lặng của họ như mình thấy đó là thảnh thơi, tươi mát thực sự, có thể đó là trường sinh học thân thiện của họ tỏa ra và mình nên nằm trong vùng trường ấy để học cách thảnh thơi, tươi mát của họ.

Quán niệm trước khi ăn là một cách thực tập rất có ý nghĩa, không chỉ giúp mình bình tâm lại trong việc ăn từ đó có thể giúp ngon miệng hơn mà vì giúp mình tri ân những yếu tố tạo ra món ăn và dặn mình tỉnh thức tu tập, nếu mình đang có chánh niệm thì mình càng ý thức hơn nữa, nếu mình mất chánh niệm trước đó thì thói quen đọc quán niệm trước khi ăn sẽ giúp mình quay về với không gian, với mâm cơm trước mặt, với thân xác mình. Thầy dạy mình bài kệ nào, cách quán niệm nào, mình nên học thuộc và thực hành.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật./

Con biết thức ăn này là tặng phẩm của đất trời của muôn loài và công phu lao tác. Con nguyện ăn chay để nuôi dưỡng lòng từ bi và bảo tồn sự sống của muôn loài.

Con nguyện ăn trong chánh niệm với lòng biết ơn và nguyện sống luôn tỉnh thức và làm giảm tiến trình nóng ấm toàn cầu.

Con nguyện ăn trong chừng mực để nhận diện và chuyển hóa những tật xấu. Đóng góp vào tiến trình làm giảm sự nóng lên của trái đất  và hiệu ứng nhà kính.

Con nguyện chỉ ăn những thức ăn lành mạnh có tác dụng nuôi dưỡng ngăn ngừa bệnh tật và đem lại sự hòa bình cho thân tâm con.

Con nguyện tu tập tinh chuyện, hòa đồng với mọi người, thành tựu đạo quả, phổ độ chúng sinh để xứng đáng thọ nhận bữa ăn này.

Đây là bài quán niệm với nội dung thật đầy đủ, ý nghĩa.

Các bạn trẻ được hướng dẫn Nghi thức trước khi độ ngọ (dùng cơm trưa) tại chùa

Mình biết thức ăn này là tặng phẩm của đất trời của muôn loài, như Sư ông Làng Mai thường dạy rằng mình phải nhìn ra cho được đám mây, cánh đồng, hạt thóc, mặt trời, mưa gió và từng giọt mồ hôi trong đó chứ không phải đọc và nghĩ lướt qua như một thói quen, lúc đó mình là con vẹt. Mình thời gian mới thực tập, trong lúc đói quá hoặc vội vàng quá vì gấp gáp chuyện gì đó mình chưa biết linh hoạt trong quán niệm nên mình gặp vẹt suốt. Mình cứ gặp vẹt hoài thì mình có nguy cơ là vẹt thật sự, khi ấy mình không thấy rằng mình là vẹt nữa mà là người tu đã thấm nhuần câu quán niệm này, rất dễ sinh kiêu ngạo, lúc kiêu ngạo thì không ai đáng thương bằng mình. Mỗi người có lẽ sẽ có những thêm thắt khác nhau trong lời nguyện này, mình có thể thấy rằng ngoài việc quán niệm ra đây là lời nhắc nhở mình tri ân với những đối tượng tạo thành bữa ăn, trước khi quán niệm mình tác ý biết ơn người đầu bếp, phục vụ quán cơm Thanh Phương, Loving huts, hay người mà mỗi lần đòi trả tiền đều không cho mình trả ấy…. Mình không cần đi sâu xa quá, riêng việc mình thực sự biết ơn những đối tượng trước mắt này đã giúp cho việc quán niệm tiếp theo của mình được ý nghĩa và sâu sắc hơn rồi.

Ăn trong chánh niệm. Chánh niệm được nuôi dưỡng càng liên tục thì việc thực tập của mình càng ngày một tiến lên. Mình đang đọc quán niệm và mình biết mình đang đọc quán niệm. Nhìn vào phần cơm thấy những thức ăn có thể làm cho mình không hòa bình khi tiêu hóa chúng như tỏi ớt, như hành tiêu, hay bún riêu thường chua chua và loãng mình không nên ăn vào buổi tối…  Có những sản phẩm chay hiện nay có xuất sứ từ Đài Loan có nhiều thông tin xấu về nó. Đồ ăn này được tẩm ướp từ những bột gia vị làm từ động vật để có mùi hương như đồ ăn mặn thực, ngoài ra nó có đủ hình thù giống hệt với đồ ăn mặn, điều này như thầy Nhật Từ đề cập tới trong chương 3 sách Không Có Kẻ Thù đây là một sự ngã hóa đối tượng, mình sát sinh trong tư tưởng mà không biết, nhất là với người chưa vững vàng trong việc ăn chay, khi quen ăn như vậy rồi đến khi ăn chay từ đồ ăn không có hương vị ấy, hình thù ấy thì không chịu nổi nữa. Lúc đó thân không hòa bình vì độc tố gia vị trong thức ăn mà tâm cũng không hòa bình nổi vì có thêm một tưởng to đùng, tri giác sai lầm. Thế nên nhờ chánh niệm mà nhận biết được điều này. Trong bữa ăn mình thường xem ti vi, suy nghĩ lan man tới việc này việc kia hoặc hay ăn vội vàng, chánh niệm giúp mình nhìn ra những điều đó, nhiều bữa ăn có chánh niệm mình sẽ không xem ti vi nữa, bớt nghĩ chuyện này chuyện kia nữa, và không còn vội vàng nữa, thậm chí mình ăn một bữa nếu thật sự theo ý mình có thể lên tới hơn 30 phút, ở Làng Mai các thầy nói các vị ăn trong cả tiếng đồng hồ.

Dùng cơm trong chánh niệm

Lời nguyện tu tập tinh chuyên để lục hòa, để hoằng dương chính pháp là sự nhắc nhở mình sử dụng năng lượng từ thức ăn chỉ nhằm mục đích thực tập và phụng sự mà thôi. Điều này có lẽ sẽ còn lâu mình mới có khả năng thực tập trọn vẹn được, cũng như lời nguyện “thương yêu cả thảy chúng sinh vậy”, vì mình còn dở lắm lắm, giây phút thất niệm vẫn còn, giận hờn vẫn còn, những tâm ác bên trong vẫn còn nên mình chưa dành trọn năng lượng từ việc ăn đem lại để tu tập. Nhưng mình hi vọng sự không bỏ cuộc đến hơi thở cuối cùng của mình sẽ giúp mình làm thành một cơn mưa, do sự liên tục của những giọt nước.

Mình còn sống với gia đình, với sự vần vũ của xã hội cho nên thời gian ăn uống còn hạn chế. Mình có thể sắp xếp ngày nghỉ trong tuần của mình thành Ngày lười – ngày chỉ dành cho sự thực tập mà thôi, những ngày này mình có thời gian để thực hiện việc ăn đúng ý mình nhất, còn những ngày còn lại mình nên dựa vào quỹ thời gian mà thực hiện việc ăn sao cho phù hợp. Thường việc thực tập trong việc ăn của mình chia ra làm nhiều giai đoạn. Giai đoạn ban đầu: Học quán niệm và im lặng trong khi ăn; Giai đoạn hai quán niệm, im lặng, theo dõi việc nhai, sao cho từ 30 đến 100 lần. Thay vì đếm hơi thở mình đếm lần nhai của hàm, mình có thể sẽ không định tâm bằng nhưng đây cung là cách linh động hay, ngoài ra nó còn giúp nghiền thức ăn ra như cháo, tốt cho dạ dày. Giai đoạn 3: Quán niệm – im lặng – theo dõi việc nhai – gọi tên các món ăn – biết sự nóng lạnh, cay ngọt đắng bùi, thơm hôi mặn nhạt mát mềm dai cứng.. của thức ăn. Giai đoạn này để thành tựu chắc chắn đòi hỏi hành giả phải có chánh niệm xuyên suốt, một tâm nhạy bén và thời gian đủ dài. Mình phải thực tập làm sao một ngày đẹp trời mình có thể ăn một bữa trọn vẹn như thế mà không bị đứt quãng bởi thất niệm.

Người có tu tập làm việc ăn chay của mình thành phương tiện tu tập như thế, với người ăn chay để chứng tỏ một điều gì đó thì mình có thể nói “Ăn chay không phải là tu” để phá cái chấp cái ngã của họ. Nhưng với người hiểu lý lẽ hơn thì mình có thể nói ngược lại “Ăn chay cũng là tu đấy”, ăn mà ăn trong chánh niệm, ngày một tăng trưởng thiện pháp, từ bi được nuôi dưỡng thì hẳn là tu rồi. Ăn mặn trong chánh niệm cũng là tu nhưng hình như thiếu thuyết phục hơn.

Ngoài việc ăn uống trong tinh thần tu tập, mình còn cần chú ý tới những giới luật mình đã nguyện thọ nhận. Trong 10 giới Sa Di truyền thống bên Nam tông có luật là ăn trước giờ ngọ, tức là không ăn gì sau 12 trưa. Bên Bắc tông thì là không được ăn ngoài bữa ăn của đại chúng. Mình sống ngoài đời, không đủ phúc đức như quý sư, quý thầy để có đủ điều kiện thực tập trọn vẹn như vậy, mình có thể chuyển biến đi một chút là không ăn ngoài bữa ăn của gia đình, hoặc một giờ giấc quy định nào đó.

Sự ăn chay, nhất là ăn chay trường sẽ còn nhiều những ý kiến trái chiều nhau, ngay cả với người Phật tử. Truyền thống Nam Tông vẫn ăn mặn và người có thể nói ăn chay trường không nói được điều gì trong sự tu tập của mình. Tuy nhiên người quên rằng các vị Nam Tông chỉ ăn duy nhất một bữa trong ngày mà thôi. Có quan điểm vẫn luôn cho rằng Đức Phật ngày xưa không ăn chay vì nhiều điều kiện không cho phép, việc đó có thể là sự thật tuy nhiên không hay là khi thèm thức ăn mặn mình lấy điều này làm lý do để mình thỏa mãn. Mình luôn cho rằng đến thời đại ngày nay chúng ta nên phát triển thêm một vài phương pháp tu tập từ nền tảng lời dạy của Đức Phật vì con người ngày nay đã khác xưa như vậy sẽ phù hợp với thời đại, vậy thì tại sao mình không phát triển cách ăn của Đức Phật thêm, ngày xưa Người ăn mặn vì không hội đủ điều kiện ăn chay hoàn toàn mà. Nếu muốn ăn như Đức Phật thì ăn 1 ngày 1 bữa và ngủ dưới gốc cây, cuốn y, đi bộ bằng chân không từ nước này sang nước khác và có được sự giải thoát như Đức Phật và các vị Tỳ Kheo thời đó đi. Mình luôn có những lý do để dễ dãi trong sự tu tập là vậy, bất kể ai, nếu có điều đó, thực sự còn rất dở. Nên soi gương lại mình thay vì biện luận, lý giải này kia. Sự biện luận, thanh minh, trình bày có sức tàn phá cực kỳ lớn không thua gì tâm kiêu mạn. Mình đã từng là nạn nhân của điều ấy, mình không được sa lầy vào.

Sự ăn chay hoàn toàn bằng thực vật mà Sư ông của Làng Mai đề xướng đang có sức lan tỏa rất mạnh, Sư ông năm nay đã ngoài 80 mà vẫn đi giảng đạo khắp nơi. Sư Pháp Quang tại chùa Bửu Quang tỉnh Vĩnh Long  hành theo hệ phái Nam tông nhưng chỉ ăn chay, có nghĩa là chỉ ăn duy nhất 1 bữa trước giờ ngọ bằng thực phẩm hoàn toàn thực vật, Sư vẫn ngày đêm lo phật sự, tu tập sớm hôm. Nhìn vào những tấm gương như thế, mình thấy rằng ăn chay thôi chưa đủ mà phải là ăn chay trường. Ăn để thực tập, ăn để có một cuộc sống xanh và ăn chỉ để ăn. Điều này bình thường thôi mà, mình ơi./

   

Tịnh Dũng   

Bình luận (0)

Viết lời bình mới:

Mã bảo vệ : (*)