Loading
Tìm kiếm trên Google

Ảnh mới nhất

Thăm dò ý kiến

Bạn suy nghĩ về mức độ thành công của các chương trình mà CLB Tấm Lòng Vàng đã thực hiện ?

bình thường
chưa đạt
tốt
hoàn toàn thành công

Lịch âm

Truyện - tùy bút

Tôi về mùa hoa(12:27 31-03-2013)

Bùi Thư

Chia sẻ: Kiểu đọc

Hãy sống tinh cần và  trí tuệ để quan sát nội tâm, chúng ta dễ dàng bao dung và tha thứ cho người khác. Ai cũng có lỗi lầm, nhưng vì ích kỷ chúng ta không dám nhận đấy thôi. Vậy phải biết thương yêu tha thứ cho người khác.

Bạn có thể nghe bài viết: Tôi về mùa hoa tại đây

Mảnh đất Hà Tĩnh quê tôi thích hợp với cụm từ “ Đông rét Hè rám”. Thiên nhiên không ban tặng cho nơi này mưa thuận gió hòa . Cái đói, cái rét đã làm cho con người ở đây lo cái ăn cái mặc trước khi nghĩ đến chuyện tu tập là gì. Vào những mùa lễ hội, cũng lắm người đi chùa, đi đền xin lễ. Nhưng hầu hết đều chú tâm nguyện cầu cho được ăn nên làm ra, lắm tài nhiều lộc mà thôi. Chứ ít ai chú tâm đến chuyện tu tập và phương pháp chuyển hóa những khổ đau nơi tâm thức của mỗi con người.

Đã gần mười năm rồi, những kỷ niệm buổi ban đầu khi tôi tiếp xúc với Phật giáo vẫn còn in đậm trong tâm thức. Từ những suy nghĩ ban đầu mông lung, lệch lạc đến bây giờ nhìn lại lắm lúc cũng tự mỉm cười. Nhưng các bạn biết không? Những suy nghĩ sơ sài ấy là dấu hiệu để chúng ta thấy mình đã lớn hơn, đã chuyển hóa được nhiều hơn. Tiến trình tu tập là những sự vượt qua chính mình, chuyển hóa nội kết thành yêu thương.

Tôi nói ra điều này để các bạn trẻ cùng suy ngẫm và cũng là lời tâm sự cho những ai cùng cảnh ngộ. Thực tế cho thấy chúng ta thường không chấp nhận được khi bố hoặc mẹ mình không cùng chung sống trong một mái nhà, vì nhiều lý do khác nhau. Cảnh phải sống chung với mẹ kế hoặc bố dượng là điều các bạn thường không thích. Từ đó các bạn thường tránh né gia đình, có bạn còn nảy sinh chuyện bất cần dẫn đến lỗi lầm không đáng có. Cũng chính vì vậy, vô tình chúng ta khiến những người thân là bố, là mẹ mình cảm thấy không thoải mái, khó chịu và rất  khó xử. Các bạn ơi! Phật giáo đã làm tôi có suy nghĩ tích cực hơn về điều này đó. Hãy lắng nghe những chia sẽ này nhé!

Tôi bất hạnh, bố mẹ chia tay lâu rồi, nhưng không hiểu sao, bố không bao giờ kể cho tôi nghe về mẹ. Hai bố con sống với nhau đến lúc tôi 17 tuổi. Bước ngoặc trong cuộc đời tôi xảy ra, bố đi thêm bước nữa. Dì ấy là cô giáo dạy chung trường với bố. Từ khi có sự hiện diện của dì, tôi không muốn nói chuyện với ai cả, thường tránh mặt bố và dì, lầm lì, ít nói và cũng không muốn tâm sự với bạn bè. Đã không ít lần bố khuyên tôi nên gọi dì bằng mẹ, nhưng tôi không tài nào mở miệng được. Mặc dù rất thích được gọi tiếng mẹ một cách tròn trĩnh như các bạn vẫn thường gọi sau mỗi lúc đi học về. Không biết mình đã gọi được bao nhiêu tiếng mẹ rồi nhỉ? Cuộc sống trong nhà cứ vậy diễn ra nặng nề, mệt mỏi suốt hai năm trời. Và một ngày tôi nhận được giấy báo đậu Đại học ở thành phố Hồ Chí Minh. Dù rất vui khi đổ đại học nhưng trong tôi đó còn là một lối thoát cho sự khó chịu khi sống với gia đình mình. Một suy nghĩ chạy trốn cuộc đời, chạy trốn gia đình và hoàn cảnh hiện tại.

Nhân duyên vào Nam học, tôi vô tình nhận được một cuốn sách “Hiểu và thương” của người bạn học chung lớp tặng khi chúng tôi đi làm từ thiện. Sau khi đọc, tôi bắt đầu cảm thấy có một điều gì đó đang là chính mình, một sự quan tâm có ý thức rõ ràng, tìm tòi học hỏi những ý tưởng và phương thức trị liệu những bực dọc mà mình không giải quyết được. Tôi bắt đầu tham gia các hoạt động gia đình Phật tử, tham gia những trại hè dành cho cho thanh thiếu niên và sinh viên phật tử, những khóa tu được chùa tổ chức.

Khi tôi thực sự đã hiểu về gia đình mình, hiểu về bố, về dì, thì bao nhiêu câu hỏi ngày xưa lại ùa về trong tôi như một sự nuối tiếc cho những suy nghĩ ích kỷ của mình. Mình đi rồi chắc bố mình cảm thấy thoải mái hơn? Chắc bố không biết nhớ con gái bố đâu nhỉ? Thế nào rồi dì cũng sinh em bé, thế là mình không còn ai là chổ nương tựa nữa rồi… Nhiều, nhiều lắm...! Những câu hỏi trong đầu cứ mỗi lúc một nhiều. Càng nghĩ, càng ái ngại. Tôi đã làm cho biết bao người phải buồn vì sự thiếu hiểu biết này. Không biết có hóa giải được hết bằng ấy khó khăn trong tâm mình không? Nhưng câu hỏi lớn nhất tôi đặt ra là liệu dì có chấp nhận và tha thứ cho mình hay không?

Tôi cố gắng thực tập phương pháp yêu thương. Những ngày đầu còn khó khăn lắm, tôi tập nghĩ về dì bằng lòng yêu thương, tình thương như tôi vẫn thường nghĩ về mẹ. Sau đó, tập nói một mình những lời nói ngọt ngào như đang nói với dì vậy, những câu hỏi thăm rất chân thành, bình dị. Tôi đã gửi những lá về thư thăm gia đình cùng những món quà nhỏ bé cho dì nhân ngày của mẹ, ngày phụ nữ Việt Nam…

Thầy đã dạy tôi hãy tập nghĩ yêu thương, rồi đến tập nhìn yêu thương, sang tập nói lời yêu thương và tập làm những điều yêu thương. Khi sự thực tập thành tựu, tình yêu thương chân thật sẽ hiện diện trong lòng mình. Khi ấy bạn không cảm thấy bỡ ngỡ trước lời nói việc làm yêu thương của mình.

Quả thật, cách suy nghĩ, cách nói năng đã làm con người ta tiến dài đến tình thương yêu chân thật. Để làm được điều này chúng ta phải học hiểu các bạn ạ. Để có cách hiểu đúng chúng ta phải làm theo lời Phật dạy, phải suy nghĩ tốt về người, luôn tìm những nét đẹp trong tâm hồn người khác để học hỏi. Khi ai làm mình buồn phiền, phải quán chiếu rằng do mình chưa tốt, để cảm thông và tha thứ cho họ. Luôn suy nghĩ rằng bản thân mình chưa hoàn thiện để cố gắng hoàn thiện hơn trong cuộc sống.

Thời gian, những lời phật dạy, tiếng kinh, bài pháp, tất cả đều là những phương thuốc thần kỳ. Tôi chợt nhận ra rằng: “ khi hiểu và cố gắng hiểu về ai đó chúng ta hoàn toàn có thể thông cảm và yêu thương họ nhiều hơn ”.

Tôi đã hiểu ra, chính sự ích kỷ của bản thân đã làm cho bố tôi luôn trong tâm trạng chống đỡ. Dì không có tội, nhưng tôi luôn quy kết cho dì ấy bất cứ hành động nào có liên quan đến mình, bắt đầu từ sự chăm sóc, dạy bảo, từ lời nói dịu dàng đến những lời quở trách nghiên khắc. Tôi không tự nhận thức được những suy nghĩ và hành động của mình chính là hố ngăn lớn khiến cả gia đình không thể ngồi lại gần nhau, tâm sự và chia sẽ.

Bố đi dạy, mọi công việc trong gia đình đều do dì đảm trách. Bây giờ tôi mới thấy thương dì làm sao! Tôi thấy dì đã hiểu và thông cảm cho bố, hay nói đúng hơn là dì đã hiểu và thương bố, một sự hiểu biết, yêu thương và hy sinh đáng trân trọng. Còn tôi, chẳng những không hiểu tâm trạng, nỗi lòng của bố mà còn làm cho bố cảm thấy căng thẳng và khó xử mỗi khi đối diện với gia đình.

Tôi muốn gọi điện thoại về thăm dì. Muốn nói với dì một câu mà đã bao năm tôi không thể thốt nên lời.

Tôi muốn gọi dì bằng hai tiếng yêu thương : “Mẹ ơi !!!”

Các bạn ạ! Ngôi nhà hay gia đình phải là chỗ dựa tinh thần cho các thành viên phải không? Khi người ta chịu những áp lực công việc ngoài xã hội, thì gia đình là nơi thanh bình và ấm áp nhất để quay về. Hãy, “ sống có lòng tin, có lòng hổ thẹn, có lòng sợ hãi, sống tinh cần và có trí tuệ”[1] để nhận ra và yêu thương các thành viên trong gia đình mình, nuôi dưỡng sự an lạc hạnh phúc như lời thầy tôi thường giảng.

Hãy tin tưởng nơi tình thương của mọi người dành tặng cho ta, bạn cảm thấy dễ chịu hơn dù đó là một lời cảm ơn thật nhẹ nhàng, hay một lời chỉ trích thật mạnh mẽ. Tất cả những lời mói ấy sẽ giúp chúng ta lớn hơn và trưởng thành hơn. Hãy tập hổ thẹn và sợ hãi khi đối diện với những suy nghĩ và việc làm không tốt. Bạn dám nhìn nhận nó sai lầm, không tốt để chừa bỏ và tránh xa. Từ đó, bạn sẽ tự tin hơn khi đối diện với chính bản thân mình. Hãy sống tinh cần và  trí tuệ để quan sát nội tâm, chúng ta dễ dàng bao dung và tha thứ cho người khác. Ai cũng có lỗi lầm, nhưng vì ích kỷ chúng ta không dám nhận đấy thôi. Vậy phải biết thương yêu tha thứ cho người khác.

 


Cuộc đời các bạn trẻ còn nhiều chông gai, thử thách. Hãy cố gắng lắng nghe và thấu hiểu những nội kết của người thân mình để có thể đưa ra những ứng xử cho phù hợp. Đạo Phật với những lời Phật dạy thật gần gũi, dung dị nhưng thâm thúy biết dường nào. Ta sẽ thấy tâm hồn nhẹ nhàng thanh thản khi nhìn cuộc đời một cách trọn vẹn hơn .

Đạo đời tương dung

Khổ vui chất liệu

Tâm bừng nở hoa

Các bạn ạ! Bây giờ tôi đã lớn hơn, sự nhìn nhận ngày xưa là những bài học hôm nay. Những trãi nghiệm ngày nào giờ đã thành chất liệu trong tôi. Yêu thương và tha thứ! Mảnh đất Hà Tĩnh nghèo quê tôi đã trở thành chất liệu tu tập. Tôi nghĩ về nơi ấy, có những người trong tôi, trong sự chuyển hóa từng ngày, trong chất giọng đậm mùi nắng gió. Trong thơ ca nhạc họa, trong tình thương yêu chia sẽ. Và tôi sẽ về!

Tôi về mùa hoa.

 

 


[1] [1]  Kinh Tăng Chi, Tập II, Chương 5, phẩm Sức mạnh hưc học, phần Khổ, Xb 1996, tr. 307

 

Tâm Thu (Tuổi trẻ Phật Việt số 1)

Bình luận (0)

Viết lời bình mới:

Mã bảo vệ : (*)