Loading
Tìm kiếm trên Google

Ảnh mới nhất

Thăm dò ý kiến

Bạn suy nghĩ về mức độ thành công của các chương trình mà CLB Tấm Lòng Vàng đã thực hiện ?

bình thường
chưa đạt
tốt
hoàn toàn thành công

Lịch âm

Truyện - tùy bút

Thẩm mỹ phật giáo thời Lý-Trần qua văn chương (09:16 08-02-2012)

Bùi Thư

Chia sẻ: Kiểu đọc

Thơ văn Lý-Trần là những áng văn chương hay, đẹp, liên hệ đến cuộc sống của đạo, của đời, được sáng tác ngay trong thời đại Lý-Trần mà chiều sâu là những giáo lý, triết lý của Phật giáo ngang qua lăng kính nhãn quan của từng vị thiền sư, danh tăng hay các cư sĩ (trong đó có cả những vị vua, quan, trí thức nho sĩ) am hiểu đạo Phật. Nói chung là những người có thực học, thực tu và thân chứng về đạo Phật, biểu lộ sở đắc của mình về Phật giáo bằng thơ văn.

 


 

 

Bạn có thể nghe bài viết: Thẩm mỹ phật giáo thời Lý-Trần qua văn chương tại đây

Ngày nay, trải qua nhiều thế hệ nối tiếp, sự cọ xát, thử thách được tôi luyện, kinh qua trong cuộc sống giúp con người khẳng định được thế nào là giá trị văn học của từng thời đại trước đó. Cái mới được trình bày ở luận văn này là góp thêm một chút ánh sáng nhằm soi sáng giá trị thẩm mỹ văn hóa Phật giáo.

Về mặt giáo lý, triết lý hay triết học của Phật giáo tự thân nó đã có đầy đủ tính chủ thể thẩm mỹ rồi. Vấn đề được đặt ra là chủ thể sáng tạo thẩm mỹ Phật giáo ngang qua thơ văn thời Lý - Trần thực sự đã được chủ thể cảm thụ thẩm mỹ - tức nhân loại nói chung, con người dân tộc Việt Nam nói riêng, tiếp nhận như thế nào trước dòng thời gian?

Hỏi tức là đáp. Bởi con người là một thực thể nhân bản, dù không ai sống hoài trong đời, nhưng tự thể hết đời này đến đời khác, nó cứ nối tiếp tồn tại miên viễn từ thế hệ này qua thế hệ khác trong đời. Do đó, những tác giả, tác phẩm dù xuất phát từ tư tưởng, quan điểm, chủ nghĩa nào mà mục đích cứu cánh của nó là vì con người, biết cảm nhận, biết trân trọng và phục vụ sự sống của con người thì tất nhiên tác giả, tác phẩm đó cũng được đón nhận, cảm thụ một cách thân thương, và cũng được ghi nhận là những giá trị chân chính.

Chính do thấu suốt được mối tương quan này, Đức Phật đã từng chỉ dạy chư đệ tử: “Này các Tỳ kheo, hãy du hành vì hạnh phúc cho quần chúng, vì an lạc cho quần chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người[1]

Cho nên, nếu trong cuộc sống, con người biết hy sinh, biết xả kỷ quên mình mà mưu tìm sự sống hạnh phúc cho chung quanh, cho nhân dân, xã hội và chúng sanh thì ở đó chính là tinh thần vô ngã lợi tha của Phật giáo, hay cũng chính là giá trị đích thực của thẩm mỹ nhân văn.

1- Thẩm mỹ vô thường và thường của Phật giáo qua sự sống và cái chết của con người

a) Quan niệm cái đẹp về con người:

Thực ra, sự hiện diện của con người trên trái đất trong cuộc sống này đã là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt bích rồi. Bởi, nếu không có con người, ai sẽ làm chủ thể cuộc sống? Ai là người cảm thụ nghệ thuật? Ai là người nhận ra được vẻ đẹp của thiên nhiên? Nhưng khi con người được sản sinh ra, mỗi lúc mỗi nhiều hơn, ngày nay con người không phải dừng ở con số hàng trăm ngàn hay hàng triệu mà nó đã lên đến hàng tỷ và nhiều tỷ. Mỗi con người là mỗi tác phẩm nghệ thuật, có nhiều tỷ con người tất nhiên có nhiều tỷ tác phẩm nghệ thuật. Cho nên, trong tất yếu phải nảy sinh đối tượng thẩm mỹ, bi kịch hay trác tuyệt, đẹp và xấu. Lúc này thì thế giới con người hay xã hội loài người không thể dửng dưng được nữa, mà phải có một chuẩn mực để giữ thăng bằng và đưa cuộc sống đi lên. Từ đó, mục đích phấn đấu và hướng dẫn của con người là một nếp sống văn hóa, văn minh.

Thử hỏi văn hóa, văn minh là gì, nếu không phải là cái thẩm mỹ, cái đẹp?

Một con người được gọi là văn hóa hay văn minh thực sự phải là con người có được cái đẹp, cái thẩm mỹ của cả hai mặt “thể chất và tâm hồn”.

Bước đầu, con người cũng bị lầm tưởng nên chỉ thích chọn cái đẹp đơn thuần về mặt thể chất. Dần dà, qua kinh nghiệm thực tiễn cuộc sống, con người đã nhận ra giá trị vĩnh cửu về cái đẹp của con người. Cái đẹp thực sự phải là cái đẹp hài hòa giữa thể chất và tâm hồn.

Ngày nay trên thế giới, người ta chọn hoa hậu, chọn những người phụ nữ đẹp nhất tại mỗi quốc gia hay trên toàn thế giới, người ta đều chọn cả hai mặt “thể chất đẹp và tâm hồn đẹp”. Đây là tính thẩm mỹ về cái đẹp của con người vậy.

b) Quan niệm cái đẹp về sự sống và cái chết của con người:

Đã có con người, tất nhiên có sự sống và cái chết của con người. Nhưng muốn tìm ra được cái đẹp về sự sống và cái chết của con người thì ta phải trực diện nhìn thấy vào sự hiện hữu của con người, phải tìm cho được nguyên nhân tức phần tiền đề lý thuyết của sự sống và cái chết. Mọi sự sống và cái chết đều có nguyên nhân, cái trước nó. Nếu chúng ta không tìm ra, không nhận ra được mà chúng ta cứ đòi hỏi về sự sống hay sợ sự chết thì chắc chắn dễ bị rơi vào cái bi kịch hay cái hài trong cuộc sống. Ngược lại, khi thấy rõ nguyên nhân của sự sống và cái chết thì con người sẽ biết làm thế nào để có được cuộc sống an vui hạnh phúc, có ý nghĩa, cũng như biết làm thế nào để có cái chết bình yên, thanh thản.

Không phải bỗng dưng mà Xuân Diệu lại có những dòng thơ thống thiết:

“Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt

Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”

Trong ngôn ngữ âm thanh thi ca, chúng ta tưởng chừng như đây là một tâm trạng bi quan, chán nản cùng cực của kiếp người. Nhưng, nếu thử chuyển cái nhìn sang hướng khác, chúng ta sẽ thấy trong chiều sâu của ý thức, phải chăng thi sĩ đã gởi đến người đọc một “thông điệp” ước mơ về một cuộc sống hùng tráng và một cái chết đầy ý nghĩa vinh quang?!

Trần Bình Trọng, một viên tướng đời Trần, khi bị giặc bắt dụ hàng, đã hiên ngang tuyên bố: “Ta thà chết làm quỷ nước Nam hơn là sống làm vương đất Bắc!”.

 

Gần đây, trong những năm đầu của thập niên 1960, nhà thơ Tố Hữu đã viết bài thơ “Hãy nhớ lấy lời tôi” và những câu mở đầu đã cho chúng ta thấy thế nào là tính thẩm mỹ, là cái đẹp về sự sống và cái chết của một con người bừng sáng:

“Có những phút làm nên lịch sử

Có cái chết hóa thành bất tử

Có những lời hơn mọi bài ca

Có con người như chân lý sinh ra

Nguyễn Văn Trỗi!

Anh đã chết rồi

Anh còn sống mãi

Chết như sống, anh hùng vĩ đại”

Và cũng chính trong thập niên này, ngọn lửa từ bi của Bồ tát Quảng Đức đã thắp lên để soi sáng lòng người, để nhân loại trên thế giới thấy thế nào là giá trị tinh thần của cuộc sống đạo đức an vui và một cái chết hạnh phúc cho hòa bình dân tộc:

“Quỳnh trong nước mắt, sen trong lửa

Phút nhập thần sương bạc khói lam

Chia nẻo khói sương về tới đích

Cả hai cùng hiện một hoa Đàm”.

c)- Thẩm mỹ vô thường và thường của Phật giáo:

Tuần tự theo phạm trù thẩm mỹ, chúng ta đã nhận ra thế nào là cái đẹp về con người, cái đẹp về sự sống và cái chết của con người. Giờ đây, chuyển sang một lĩnh vực khác, lĩnh vực tôn giáo, giáo lý nhà Phật, để chúng ta nhận ra thêm thẩm mỹ hay cái đẹp qua tinh thần giác ngộ giáo lý vô thường và thường của Phật giáo.

Căn cứ giáo lý nhà Phật để phân định thì phạm trù vô thường đứng đầu một hệ thống giáo lý có bốn pháp là “vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh”, còn được gọi là bốn pháp quán niệm. Giáo lý này, Đức Phật dạy cho hàng Thanh văn, Duyên giác, nói chung là các hành giả đệ tử thích nương tựa trong giáo pháp, dấn thân tu tập, đang còn trong thời kỳ tu học, biết hành trì quán niệm bốn pháp này, biết nhận thức trước các pháp để làm chủ được chính mình. Trong mỗi con người đều có sáu căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Nơi sáu căn này có sáu thức là thấy, nghe, ngửi, nếm, cảm xúc, biết. Và khi đối diện với sáu trần là sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp mà con người vẫn giữ vững được nhận thức, biết rõ các pháp vốn “vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh” không hề bị dao động hay ô nhiễm, không bị thất tình, lục dục phát sinh, kềm chế được chính mình, không gây tội ác, sái quấy do tham, sân, si, chấp thủ tạo nên. Nói theo ngôn ngữ mỹ học, chúng ta có thể xem đây là vùng khách thể, đối tượng của chủ thể thẩm mỹ.

Còn phạm trù “thường” thì đứng đầu hệ thống giáo lý cũng có bốn pháp là “thường, lạc, ngã, tịnh”, còn được gọi là tứ đức Niết bàn. Giáo lý này, Đức Phật chỉ bày cho hàng Thanh văn A la hán hay Bồ tát, nói chung là những hành giả có trình độ cao, tinh thông, thể nhập, thân chứng hay đắc đạo. Tức tự mình có khả năng là hiện thân của “thường, lạc, ngã, tịnh” ở mọi chỗ, mọi nơi, mọi cảnh giới và mọi lúc, kể cả khi thân tứ đại con người còn sống hay khi lìa bỏ nó (chết đi), hành giả đều có năng lực chủ động trước các pháp. Tuyệt đối không còn tham, sân, si, tội ác, sái quấy. Đứng về góc độ mỹ học, chúng ta có thể xem như đây là vùng chủ thể thẩm mỹ, chủ thể sáng tạo nghệ thuật.

Cho nên từ lâu, dù Phật giáo ít nhiều bị mang tiếng là triết học duy tâm, nhưng tuyệt nhiên không hề giống và hoàn toàn trái ngược quan điểm Platon, khi ông cho rẳng “nghệ sĩ là một cái gì nhẹ nhàng, bay bổng và thiêng liêng. Anh ta chỉ có thể sáng tạo khi đã phấn khích đến cuồng loạn, khi ở anh ta không còn lý trí nữa. Và đó, theo Platon, cũng là niềm hạnh phúc vĩ đại nhất diễn ra theo sự ban tặng của thần linh đối với nghệ sĩ”[2]

Đến đây, chúng ta có thể đi vào vùng sâu thẳm của ý thức, thầm lặng nhưng hùng tráng, đơn sơ mà trác tuyệt của các vị thiền sư, các vua quan cư sĩ tiêu biểu qua văn chương thơ văn Lý-Trần.

Trước hết là bài thơ “Thị đệ tử” của Thiền sư Vạn Hạnh, cho chúng ta bài học thâm thúy, chẳng những về lẽ tử sinh mà còn cả về sự tốt, xấu, thịnh, suy ở đời:

Nguyên âm:

“Thân như điện ảnh hữu hoàn vô

Vạn mộc xuân vinh, thu hựu khô

Nhậm vận thịnh suy vô bố úy

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô”

(Thân như ánh chớp có rồi không

Cây cối Xuân tươi, Thu não nùng

Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi

Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông.[3]

Trong Lịch sử Việt Nam, tập I, do Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam biên soạn và xuất bản năm 1971, trang 151, có ghi: “Sang đời Lý, nhất là trong khoảng thế kỷ XI, công việc xây dựng đất nước bắt đầu bước vào quy mô lớn, đặt nền tảng vững chắc và toàn diện cho sự phát triển của dân tộc và của quốc gia phong kiến độc lập”.

Lý Công Uẩn tức Lý Thái Tổ (974-1028), người mở đầu một triều đại hơn hai trăm năm (1009-1225). Người có công đưa Lý Công Uẩn lên làm vua lại chính là Thiền sư Vạn Hạnh, người làng Cổ Pháp, thuộc Bắc Giang, tỉnh Hà Bắc ngày nay, đặc biệt lúc nhỏ đã học thông tam giáo và rất sùng mộ Phật giáo. Cho nên, ngoài khả năng Phật học, Thiền sư còn có biệt tài về chính trị, tiên liệu được thời cuộc bằng những bài thơ sấm truyền để tạo ra nguồn dư luận qua thông tin truyền khẩu, đạt kết quả cao nhất theo ý mình.

Sáng tác văn thơ của Thiền sư được sưu tầm trong Thơ văn Lý-Trần hiện chỉ còn năm bài, trong đó có hai bài “sấm” để tạo điều kiện đưa Lý 
Công Uẩn lên làm vua và bài cuối đời chính là “Thị đệ tử”.

Nếu như bài thơ được sáng tác trong thời điểm khác thì nó chỉ có giá trị như một bài kệ pháp truyền bá giáo lý có dung lượng quan điểm triết học Phật giáo nói về thịnh suy, sinh tử như phần đông các vị đạo sư khác thường làm. Giá trị đặc sắc là nó được sáng tác ở đỉnh cao của tâm hồn trước sự sống và chết, có và không, còn và mất.

Người ta không biết rõ Vạn Hạnh sinh vào lúc nào, chỉ biết lúc mất là năm 1028. Được Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) phong làm Quốc sư vào năm 1010. Trong bài văn, ngài khuyên Lý Công Uẩn vào năm 1008-1009 có đoạn ghi:

Tôi, đã hơn bảy mươi tuổi rồi, mong được thư thả hãy chết để xem đức hóa của ông thế nào, thực là sự may mắn năm mới gặp một lần” (Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch của Cao Huy Du).

Dựa theo đây, chúng ta có thể phỏng định sau mười tám năm làm Quốc sư, ngài mất trên dưới chín mươi tuổi. Vạn Hạnh chẳng những có công giúp Lý Công Uẩn lên ngôi mà còn giúp vua trong việc dời kinh đô từ Hoa Lư về Đại La tức Thăng Long để được hùng khí đến ngày hôm nay, đúng như lời trong “Chiếu dời đô” của Lý Công Uẩn nói là “mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu”. Nói theo lẽ thông thường, ngài đã “công thành danh toại” cả hai mặt đạo và đời.

Về nhân sinh quan, ngài đã thấu suốt định luật vô thường “Thân như ánh chớp có rồi không”. Về thế giới quan, trước cảnh vật thiên nhiên, Ngài cũng thấy rõ tính biến đổi vô thường của nó “Cây cỏ xuân tươi, thu não nùng”.

Cái thẩm mỹ, cái đẹp, cái trác tuyệt nơi tâm hồn Thiền sư (chủ thể thẩm mỹ) là biết thân vô thường nhưng không bi quan, không lo sợ trước vô thường, chủ động đem cái thân vô thường hành động phục vụ lợi ích, hạnh phúc cho chúng sinh mà cụ thể trước mắt chính là đồng bào, dân tộc.

Vô thường và thường tương tự như hai mặt của một tờ giấy. Giác ngộ thì là cái đẹp, cái trác tuyệt; không giác ngộ (không thấu triệt) thì nó sẽ trở thành bi kịch, vì khi biết thân vô thường rồi bi quan, chán nản, bế tắc cuộc sống, tự vận v.v... đều xem như là bi kịch do sợ hãi trước cái vô thường, hay nói hài kịch, là dù biết thân vô thường nhưng lại cứ tham sống sợ chết, sống dở chết dở, tức có cái sống không ý nghĩa mà chết thì chết trong sợ hãi!

Về mặt chủ thể sáng tạo nghệ thuật nơi Thiền sư cũng tuyệt vời. Bởi ngài chủ động biết lúc nào sáng tác (công bố) bài thơ để làm sáng tỏ được tinh thần giác ngộ của đạo Phật về lẽ vô thường của con người và cảnh giới chung quanh. Đồng thời cũng biểu thị cho đệ tử thấy rõ giá trị của một kiếp người hoàn thiện với đầy đủ ý nghĩa sống phụng sự an lạc, lợi ích cho quần sinh đến hơi thở cuối cùng, tức biết đem cái vô thường của bản thân mà cống hiến cho dòng SỐNG THƯỜNG của con người trong cuộc đời. Ở đây, giá trị thẩm mỹ, cái đẹp về tinh thần nhân bản nhân văn được tỏa lên ngời sáng; nó hoàn toàn trái ngược với trạng thái của người hiểu biết về vô thường nhưng lại không làm chủ được cuộc sống mà rơi vào bi quan, yếm thế, tiêu cực, có những trường hợp chối bỏ cả cuộc sống. Điều này rất dễ gây nên sự ngộ nhận và làm lu mờ, mai một tính thẩm mỹ, cái đẹp của Phật giáo đối với cuộc sống nhân sinh.

Thiền sư Vạn Hạnh đã giải thích tinh thần giác ngộ về vô thường và thường bằng cả cuộc đời hành động cũng như sau khi ngài qua đời “Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi”, ngài mượn sự thịnh suy để chỉ bày cho môn đồ đừng sợ hãi lo lắng trước sự sống và chết, có và không, còn và mất (tức lẽ vô thường) của con người hay các pháp trong đời, kể cả sự đứng ngừng chấm dứt sự sống của bản thân mình, vì ngài đã thấu đạt tính chơn thường của vạn hữu“Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông”. Đã là giọt sương thì không thể nào tồn tại lâu dài, nhưng điều kỳ diệu là nó mất hoài và cũng cứ có mãi. Từ đây, triết lý về cái chết cũng lại được khẳng định - có không, còn mất, sống chết, thịnh suy..., nó là những phạm trù bất tận của con người và cả thế giới trần gian này.

Ôi! Cuộc sinh sinh, hóa hóa của vạn sự, vạn vật và của con người trên trái đất này cũng bất tận. Sự hiện hữu của hàng triệu, hàng tỷ con người hôm nay và mãi mãi về sau là một bằng chứng thực tế để chúng ta thẩm định giá trị thẩm mỹ tuyệt vời của những dòng thơ của một thời đại thi ca đi qua.

Thiền sư Mãn Giác (1052-1096) đã chuyển hóa giáo lý vô thường và thường thâm nhập hoàn toàn vào những áng văn chương lấp lánh đầy màu sắc triết học, mỹ học, thiền học, thiên nhiên và con người.

Bài thơ làm nổi bật nét đẹp về sự an định của Thiền sư (chủ thể thẩm mỹ, chủ thể sáng tạo nghệ thuật) trước sự sống và cái chết của con người (đối tượng thẩm mỹ), vượt khỏi cả cái bi, cái hài mà chỉ còn một dấu ấn duy nhất là sự tự tại, sự bình thản hồn nhiên như đang đi dạo trong vườn mai mùa Xuân (cái đẹp, cái trác tuyệt) tức sự tồn tại của văn hóa thẩm mỹ qua bài thơ “Cáo tật thị chúng” (Có bệnh bảo mọi người):

Nguyên âm:

Xuân khứ bách hoa lạc

Xuân đáo bách hoa khai

Sự trục nhãn tiền quá

Lão tùng đầu thượng lai

Mạc vị Xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

Nghĩa:

“Xuân ruổi trăm hoa rụng

Xuân tới trăm hoa cười

Trước mắt việc đi mãi

Trên đầu già đến rồi

Đừng bảo Xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua, sân trước một cành mai”[4]

Kiếp sống con người đang mạnh mà bệnh là vô thường. Bệnh rồi chết cũng là vô thường, nhưng đồng thời cũng là bi kịch đối với tình thân. Vậy mà trước khi chết, biết mình đang bệnh sắp chết, Thiền sư chủ tâm truyền đạt cho đệ tử thấy thế nào là kiến tánh thành đạo, là giác ngộ lẽ vô thường (bi kịch và khổ), để đến với thường là cái đẹp, cảnh giới an vui - Niết bàn.

Bằng một phong thái tự tại, tự tại tuyệt đích - vừa Thiền sư, vừa thi nhân, vừa nghệ sĩ..., với một cành mai, một mùa Xuân, một mái đầu..., Thiền sư đã cho chúng ta thấy sự đến, đi và trở lại của một con người trước sự sống, cái chết và sự sống (vô thường và thường vốn không hai):

Xuân đi trăm hoa rụng

Xuân đến trăm hoa cười

Hoa rụng, con người bi thương; hoa cười, con người hạnh phúc. Cái bi thương hay cái hạnh phúc rồi cũng qua mau, chỉ có sự vĩnh hằng là mùa Xuân tươi thắm.

Trước mắt việc đi mãi

Trên đầu già đến rồi

Chỉ sự chuyển biến của cuộc vô thường, cuộc vận hành dài “trước mắt việc đi mãi” để nhắc nhở con người trực nhận sự vô thường nơi chính mình “trên đầu già đến rồi”.

Nó đến, biết nó đến là một thực tại, tuyệt đối không hề bi thương, không hề nuối tiếc! Cùng lúc, từ tác giả, chúng ta thấy đầy đủ cả - chủ thể thẩm mỹ, chủ thể sáng tạo nghệ thuật và chủ thể cảm thụ nghệ thuật. Nhưng cái đẹp chưa dừng ở đây mà nó còn biến ảo kỳ diệu trong sự hiện hữu thường hằng của mùa Xuân bất tận:

Chớ bảo Xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua sân trước một cành mai

Làm con người đứng trước bờ vực thẳm của sự sống và cái chết mà lại có được cái ý thức chân như tự tại, xem cái chết như sự chấm dứt và trở lại của một mùa Xuân thì thiết tưởng không còn giá trị thẩm mỹ nào đẹp và trác tuyệt hơn!

Điều này chúng ta dễ dàng nhận ra, bởi cũng có nhiều vị thiền sư đắc đạo trước khi qua đời, thường đều có làm kệ di huấn cho các đệ tử, nhưng nội dung những bài thơ thường chỉ chứa đựng tính triết học tôn giáo, hay cao hơn là sự tự tại của tâm hồn một con người đắc đạo, bình thản trước cái chết, mà không tạo được một sự tiếp cận, tức qua cái chết (thị tịch) hay sự đắc đạo của mình khả dĩ giúp con người tự mình có được khả năng vượt khỏi chính mình, tự tại trước mọi lẽ tử sinh. Bài thơ “Thị tịch” (Dặn lại trước khi tịch) của Thiền sư Ngộ Ấn (1020-1088) là một điển hình:

Nguyên âm:

Diệu tính hư vô bất khả phan

Hư vô tâm ngộ đắc hà nan

Ngọc phần sơn thượng sắc thường nhuận

Liên phát lô trung thấp vị càn.

“Hư vô diệu tính khó vin noi

Riêng bụng hư vô hiểu được thôi

Trên núi ngọc thiêu, màu vẫn nhuận

Trong lò sen nở, sắc thường tươi”[5]

Nếu đứng trên bình diện Phật học cảm nhận thì bài thơ này rất đặc sắc, nhất là hai câu“Trên núi ngọc thiêu, màu vẫn nhuận; Trong lò sen nở, sắc thường tươi” là những câu thơ tuyệt đẹp trong văn chương Thiền học Phật giáo. Nhưng, đứng trên bình diện mỹ học (Mác - Lê-nin) thì bài thơ chỉ giúp cho người đọc nhận biết được tác giả là một vị thiền sư đắc đạo, có đạo đức thâm diệu vững vàng trong sanh tử; còn về diệu dụng thì bài thơ chưa tạo nên mối giao tiếp và bản năng kỳ diệu để qua bài thơ đó có thể cảm độ được người chưa giác ngộ đến với trình độ nhận thức thực tiễn: nghe, thấy, biết và thâm nhập..., tức tự mình có thể thân chứng như hai bài thơ của hai Thiền sư Vạn Hạnh và Mãn Giác để làm nên sự tồn tại về giá trị của văn hóa thẩm mỹ qua giáo lý vô thường và thường của Phật giáo. 

 



[1] Bản dịch của HT. Minh Châu, Kinh Tương Ưng, T1, tr. 128.

[2] Hoàng Thiệu Khang, Mỹ học,  Đại học Tổng hợp TP. HCM, 1985, tr. 9.

[3] Ngô Tất Tố, Văn học đời Lý, NXB Khai Trí, Sài Gòn, 1960.

[4] Ngô Tất Tố, Văn học đời Lý, NXB Khai Trí, Sài Gòn, 1960.

[5]Ngô Tất Tố, Văn học đời Lý, NXB Khai Trí, Sài Gòn, 1960.

 

 

 

                                                          HT. Thích Giác Toàn       

                                                   NXB TỔNG HỢP TP. HỒ CHÍ MINH -2006


 

                                                                                                                                

 

Bình luận (0)

Viết lời bình mới:

Mã bảo vệ : (*)