Loading
Tìm kiếm trên Google

Ảnh mới nhất

Thăm dò ý kiến

Bạn suy nghĩ về mức độ thành công của các chương trình mà CLB Tấm Lòng Vàng đã thực hiện ?

bình thường
chưa đạt
tốt
hoàn toàn thành công

Lịch âm

Chia sẻ & Tâm sự

Xuân này xin bán cái tham!(09:59 04-03-2015)

Thích Giác Ảnh

Chia sẻ: Kiểu đọc

“Ai mua tham, tôi bán tham cho!
 
Chẳng bán niềm tin với Phật Đà”

Bạn có thể nghe bài viết: Xuân này xin bán cái tham! tại đây

 
Tiết tấu cải biên theo phong cách thơ của Hàn Mặc Tử:
 
“Ai mua trăng tôi bán trăng cho!
 
Chẳng bán…”
 
Ngước mặt lên bầu trời, tôi ngắm ánh trăng tròn của tháng cuối năm, miệng lẩm bẩm với hai câu thơ con cóc mới nghĩ ra và tự mỉm cười với chính mình… Thật nhanh quá, một năm nữa lại trôi qua, tuổi đời chúng ta thêm chồng chất! Nhìn lại mình, tôi thấy niềm vui nỗi buồn cũng nhẹ nhàng thoảng qua như những cơn gió heo may thoang thoảng vào những ngày cuối đông. Bất chợt, tôi nghe vọng ra từ nhà ai đó câu hát:
 
“Mỗi năm ngồi tính lại sổ đời,
 
Ba trăm ngày hơn đã qua mất rồi!...”
 
Thật hợp với tâm trạng của tôi mỗi độ xuân về. Tôi thường “ôn cố tri tân” để xem mình đã sống ra sao, cái gì mình đã làm được và cái gì chưa làm được?
 
Không phải để nuối tiếc, ân hận hay tự cao tự đại mà vì Đức Phật đã từng dạy: ]vạn pháp là Phật pháp, và pháp là vô ngã nên nếu hành trì được, tâm ta sẽ an vui và cuộc sống của ta sẽ bình yên. Danh ngôn thế giới có câu mà tôi rất tâm đắc: “Hoàn cảnh không làm ta đau khổ, mà sự nhận thức sẽ làm ta đau khổ”. Tôi hiểu sự chấp ngã của con người là nguyên nhân của mọi khổ đau! Và cái gốc của sự chấp ngã chính là lòng tham, sân ở mỗi chúng sanh:
 
“Lửa tham ghê lắm ai ơi!
 
Hận sân cũng vậy đốt người đốt ta,
 
Lưới nào như lưới si ma,
 
Sông nào sánh được ái hà dòng sâu!”
 
                                                                            (Bản dịch Kinh Pháp Cú 251 của Minh Đức - Triều Tâm Ảnh)
 
Đi vào thực tế cuộc sống, từng ngày từng giờ chúng ta phải đối mặt với tham, sân, si đang hiện hữu. Nó là động cơ cho ta tạo thiện nghiệp hay ác nghiệp. Tùy theo khả năng tu tập, nếu ta kiểm soát được mình thì khi lửa tham bùng nổ, ta không bị nó đốt cháy; khi si, mê khởi dậy ta không để nó làm lưới phủ đầu (bởi ta nhận chân được nó, nó sẽ không hành hạ ta được nữa). Lý thuyết là thế, nhưng khi thực hành thì rất khó, phải “hạ thủ công phu” lắm mới có thể thắng được nó, nghĩa là ta phải có quá trình tu tập. Nhìn qua tấm gương hành trì của các bậc chân tu, ta sẽ cảm nhận được các Ngài nhờ có sức định và tuệ giác kiểm soát tâm nên không bị vướng mắc vào cảnh - trần, vì thế lửa tham, sân, si sẽ không thể bùng cháy. Còn chúng ta thì ngược lại!
 
Hằng ngày sau mỗi thời kinh, Phật tử thường đọc “Thập nguyện”:
 
Một nguyền lễ kính Như Lai
 
Hai nguyền xưng tán công dày Thế Tôn
 
Hai lời nguyền đầu tiên là để nhắc Phật tử nhớ đến ân đức của Phật, phải tự chuyển hóa bản thân trong mọi hoàn cảnh.
 
Ba nguyền tu phước cúng dường
 
Buổi đầu, tôi thiết nghĩ ai làm mà không được. Nhưng thực tế, với sự khắc nghiệt trong cuộc mưu sinh của những người lao động chân chất, thật không dễ chút nào.
 
Nhưng nếu ai làm được thì thật đáng kính phục! Có nhiều Phật tử đã phát tâm cúng dường đến đồng tiền cuối cùng. Nhất là khi có cơ hội về vùng sâu vùng xa, nhìn cảnh lam lũ của người dân quê, của các cụ già tay chân run rẩy, kính cẩn cầm tiền hay vật thực để cúng dường chư Tăng, tôi không thể nào cầm được nước mắt, không phải là nước mắt cảm thương mà là nước mắt cảm phục!
 
Gia đình tôi cũng không phải là tầng lớp khá giả, muốn tập được gương hiếu hạnh này, ngay từ thuở nhỏ, khi đi chùa, mẹ tôi hay đưa tiền cho các con bỏ thùng “công đức” và dạy chúng tôi phải chắp tay và khấn rằng: “Xin hồi hướng công đức này cho tất cả chúng sanh trong 10 phương được an lành và hạnh phúc”. Bà giải thích rằng công đức ở đây không phải là đồng tiền ta vừa bỏ vào thùng, mà là lòng từ bi mình cầu phúc cho bá gia bá tánh, bản thân đồng tiền chưa đủ sức tạo hạnh phúc cho mọi người. Khi cho hay cúng thì không nên tiếc, bởi vì “Người ăn thì còn mà con ăn thì hết"  hay là "miệng ăn thì núi lở”… Thuở nhỏ, tôi tin theo nghĩa đen của lời khấn trên, nhưng lớn lên tôi mới hiểu là mẹ tôi muốn dạy tôi phải cúng kính Ba-la-mật, nghĩa là đừng khởi tâm ngã mạn, bởi công sức hay tiền của, vật thực của mình không đáng là bao, nếu khởi tâm ngã mạn thì tiền của ấy chỉ là để thỏa mãn lòng tham, sân, si của ta mà thôi. Sư phụ tôi cũng thế, khi được Phật tử cúng kính, rất ít khi Ngài “tuyên dương” công đức trước đại chúng, bởi theo Ngài việc làm này sẽ khiến cho tâm ngã mạn của chúng sanh phát khởi, thiện nghiệp chưa tròn thì ác nghiệp đã đến bên họ. Tôi đã cảm nhận được điều ấy một cách thâm trầm và sâu sắc biết bao!
 
Để thực hiện “Ba nguyền tu phước cúng dường” này, đã bao lần tôi phải đấu tranh tư tưởng, tập từ không đến có, từ ít đến nhiều, từ mong cầu biết ơn hay đền đáp đến “vô ngã” bởi lẽ khi động đến túi tiền hay vật sở hữu nào của mình thì tâm ta luôn lên tiếng “của tôi, để lại cho tôi!”. Nếu để lòng tham thắng thế thì tâm ta lại khởi lên lời ngụy biện “tại, bị, vì” để mình thu hẹp tấm lòng mình lại, bỏ qua thiện nghiệp mà đáng lẽ mình nên làm! Ngược lại nếu tôi hiểu rằng “Tôi đang bán cái tham của mình” thì tâm tôi được mở ra. Do vậy nếu tôi phát tâm rộng rãi hơn, làm việc thiện hay cúng dường Tam Bảo nhiều hơn thì cái rác rưởi tham, sân, si sẽ đội nón ra đi tâm tôi mới rỗng rang và cái hạnh phúc, an lạc sẽ đến. Tôi đã thắng được cái ta hẹp hòi ty tiện của mình”.
 
Nhân dịp xuân về, ngưỡng mong Phật tử chúng ta hãy cùng nhau dành ít tiền bạc tích cóp trong năm để mua vé tàu cho cái tham nó ra đi, năm mới được mở đầu bằng niềm an lạc hạnh phúc. Nghĩ đến đó, tôi lại mỉm cười và khe khẽ hát câu:
 
“Ai mua tham tôi bán tham cho,
 
Chẳng bán niềm tin với Phật Đà”.
 
Nguồn: daophatkhatsi.vn

Bình luận (0)

Viết lời bình mới:

Mã bảo vệ : (*)