Loading
Tìm kiếm trên Google

Ảnh mới nhất

Thăm dò ý kiến

Bạn suy nghĩ về mức độ thành công của các chương trình mà CLB Tấm Lòng Vàng đã thực hiện ?

bình thường
chưa đạt
tốt
hoàn toàn thành công

Lịch âm

Truyện - tùy bút

Con là Tết(11:02 12-02-2019)

Chia sẻ: Kiểu đọc

Chiều chập choạng, bà Xe vẫn ngồi bên bục cửa ngó ra đường. Đôi mắt già nua của bà vẫn đau đáu trông đợi một phép màu. Chiều nay, xe khách Hùng Luân sẽ từ trong Nam về, biết đâu thằng Thiêm, con trai bà đang ở trên chuyến xe đó. Hôm nay đã là 18 tháng chạp rồi. Ngày này cách đây hai năm, nó đã bỏ nhà đi không một lời nhắn nhủ.

Bạn có thể nghe bài viết: Con là Tết tại đây

 

hoa-dao.jpg

Từ bục cửa, bà Xe nhìn thông thống qua hàng rào tre lia chia những cành là cành, thấy chiếc xe khách màu đỏ mận Hùng Luân đã dừng trước cổng ngõ nhà bà. Bà đứng dậy, lật đật bước thấp bước cao như để chạy nhanh ra ngõ thì giọng của Luân, chủ xe và cũng là hàng xóm, đã vọng vào:

- Bác đừng chờ nữa, không có thằng Thiêm đâu. Cháu đã hỏi khắp người làng mình trong Nam nhưng không ai biết nó ở đâu cả.

- Sao có thể thế được? Thằng Thiêm nó nói với tôi là nó sẽ về mà. Nó bảo tôi hãy chờ nó mà. Đêm qua, trong giấc mơ, tôi gặp nó, nó đã nói thế mà.

- Bà ấy nhớ con đến lẩm cẩm rồi. Thật tội nghiệp! Chị Hòe nghe bà Xe nói liền hướng về Luân với giọng ngùi ngùi cùng cái lắc đầu. Bà Xe vẫn đứng bên trong hàng rào nhìn ra cho đến khi khách trên xe lần lượt xuống hết, về hết. Bà lại tự an ủi mình, chắc thằng Thiêm lại bận nên chưa về được.

Luân kéo cánh cổng tre kêu kèn kẹt, bước vào sân nhà bà Xe. Trên tay Luân là chén cháo hến thơm thơm vừa nấu. Anh bảo đấy là con gái lớn mới mua từ ngoài sông về khi chiều:

- Bác ăn đi cho nóng. Ăn đi cho khỏe người. Luân đảo mắt nhìn ngôi nhà của người đàn bà hàng xóm cô độc, lòng không khỏi bàng hoàng thương cảm. Mới gần ba năm con trai bỏ đi, vậy mà ngôi nhà đã trở nên rúm ró, xiêu vẹo. Trong nhà chẳng có gì đáng giá ngoài cái nồi cơm điện và hai cái giường đơn đã cũ kỹ, ọp ẹp. Mọi thứ đều có màu bàng bạc, nâu nâu, tôi tối. Tất cả đem tới một dự cảm trầm buồn, chẳng có chút hy vọng. Bà Xe trong bộ áo quần sờn màu, tuềnh toàng, đầu tóc rối bù hình như chẳng buồn chải, khuôn mặt nặng trĩu, ngồi tựa cửa nhìn xa xăm. Luân nhìn bà, cám cảnh rồi lắc đầu. Từ ngày xa con, mọi thứ với bà trở nên trễ nải, đầu tóc, áo quần, nhà cửa và cả cơm nước đều qua loa, quýt luýt.

- Tết nhất sắp đến nơi rồi. Bác hãy vui lên chứ!

Bà gượng nhìn Luân, buông tiếng thở dài:

- Con là Tết. Giờ nó không có ở nhà thì vui gì hở anh!

- Nhưng bác phải có sức khỏe, có vui thì mới chờ thằng Thiêm được. Bác cứ thế này, nó mà biết, nó lại không về nữa ấy chứ. Luân động viên bà như động viên một người mẹ. Xét về tuổi tác, Luân đáng tuổi con trai bà. Là hàng xóm, lại đối diện nhà, thấy hoàn cảnh bà Xe tội nghiệp nên trong nhà, từ vợ chồng đến con cái thi thoảng lại sang nói chuyện cho bà đỡ buồn. Họ xem bà như người nhà, luôn sẵn sàng giúp bà mỗi khi bà cần. Tuy nhiên, vì lòng tự trọng, đôi khi bà Xe né tránh bởi không muốn phiền hà đến mọi người.

Bà Xe bất hạnh như thế nào, cả cái làng Tiên Hòa này không ai là không biết. Ngay cả một đứa trẻ mới lên 7, cũng được ba mẹ rồi anh chị nó rỉ vào tai:  “Bà Xe khổ lắm, cực lắm”. Thuở còn thanh xuân, bà cũng thuộc típ người có nhan sắc. Nhưng chỉ một nỗi là gia đình quá nghèo. Có người bảo hồng nhan dễ bạc phận lắm! 30 tuổi, bà mới lấy chồng, vì còn muốn ở vậy giúp ba mẹ. Bà sinh được Thiêm một năm sau đó. Ngỡ như cuộc sống vợ chồng sẽ xuôi chèo mát mái dẫu cho bữa cơm gia đình chỉ đơn giản là mớ rau xanh mót ngoài ruộng hay rau má gỡ ngoài bờ đê, dẫu là bát cháo hoa ngày tháng ba giáp hạt, dẫu có những khi vợ chồng cơm không lành, canh không ngọt, lời qua tiếng lại, giận không nhìn mặt nhau đến cả tuần thì vì con, vì chồng, bà cũng là người chủ động làm lành trước. Phụ nữ mà, chín bỏ làm mười, cơm sôi bớt lửa thì hạnh phúc gia đình sẽ luôn ấm. Nhưng có ai ngờ… sự hy sinh của bà lại chẳng hề được chồng bà trân trọng hay đền đáp.

Một ngày, người trong làng thấy ông Xám, chồng bà, dẫn về một người đàn bà lạ giàu có, trên cổ, tai, tay đeo vàng sáng lóa. Ông thẳng thừng thông báo với hai mẹ con bà Xe đó là vợ mới, là người ông yêu thương. Người đàn bà kia cũng nói với bà Xe rằng cô yêu ông Xám và xin bà đừng níu kéo ông ấy. Người đàn bà cầm bọc tiền được gói cẩn thận trong tấm vải đặt vào tay bà Xe rồi dẫn tay ông Xám, cả hai lên xe mất hút, bỏ lại bà Xe ngồi trân trân, lặng ngắt, hụt hẫng, đau đớn giữa nhà. Thằng cu Thiêm khi ấy đang còn bò trên đất, vục đất cát bỏ vào miệng rồi chu cái mặt khóc ré lên vì đói. Bà xót xa, nước mắt chảy ròng hai má. Bao uất ức, tủi nhục trong lòng bà theo đó vỡ òa thành những tiếng nấc. Bà bế con lên, ôm lấy nó. Thương con, chua xót cho số phận nghèo hèn nhưng bà vẫn căn dặn lòng mình phải sống tiếp vì con. Phải mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho con. Dẫu nghèo, dẫu khó nhưng có con bên cạnh, tất cả những vất vả, tủi cực đều như bay đi theo gió. Cuộc sống của hai mẹ con bà cứ lặng lẽ trôi đi. 

Thằng Thiêm càng lớn càng giống ông Xám như hai giọt nước. Trai gần 30 tuổi đầu mà chẳng chịu vợ con, cứ chơi bời lông bông. Ngày trước, nó cũng chăm chỉ lắm. Làm công nhân may mặc cũng có đồng ra đồng vào nuôi hai mẹ con. Nhưng rồi không chịu cảnh giờ giấc ngặt nghèo, đi sớm về tối, Thiêm đâm ra chán. Kết thân với đám bạn xấu, Thiêm bỏ làm đi chơi dông dài. Có hôm say bét nhè, chân nam đá chân chiêu, khệnh khạng về nhà, nó hỏi bà Xe về ba nó. Nó nghe ai đó nói bây giờ ông Xám giàu lắm. Nghe đâu ở trong miền Nam hay miền Tây gì đó. Nó muốn đi tìm ba, đi hỏi xem vì sao ông bỏ mẹ con nó. Có lúc nó lại muốn trả thù, muốn giết người đàn ông bội bạc đã khiến nó trở thành thằng không có cha, thằng vất vưởng, nghèo kiết xác thế này. Bà Xe van xin, năn nỉ Thiêm thế nào, nó cũng bỏ ngoài tai. Nó còn quay ngoắt lại trách bà sao quá nhu nhược, quá yếu mềm, sao lại chấp nhận bất hạnh ấy cả đời.

Một ngày mưa gió, trong ngôi nhà tồi tàn, rách nát, Thiêm ngồi bần thần nghĩ ngợi. Nó không ăn uống, không nói với bà Xe một lời. Giữa đêm, nó lẻn đi lúc nào không hay. Bà Xe tỉnh dậy, mò mẫm tìm con khắp trong nhà ngoài sân cũng đều không thấy. Sớm, trời còn mờ hơi sương, bà đã cuốc bộ khắp làng rồi ngoài đồng, ngoài bờ đê và còn dò hỏi cả mấy đứa bạn thân hay chơi với con nhưng bóng Thiêm vẫn mất hút. Bà sợ nó sẽ làm điều dại dột. Người ta kháo nhau, có khi nào thằng Thiêm tự tử rồi mất xác. Hay nó vào Nam tìm ông Xám. Dễ cũng có thể thế lắm chứ. Có người còn nghĩ rằng có khi nào bọn chuyên bắt cóc người nào đã chở nó đi lúc nó say xỉn,… Tết năm thằng Thiêm bỏ đi, bà Xe sống dở chết dở. Bà đứng chôn chân bên bàn thờ gia tiên suốt buổi khấn vái ông bà phù hộ đem thằng Thiêm về giúp bà nhưng đến tận bây giờ bà vẫn ra vào buồn bã như một cái bóng.

Người làng gặp và khuyên bà đừng đau khổ nữa, đừng chờ thằng Thiêm làm gì nữa. Nếu nó về thì đã về rồi chứ đâu đi biệt tích đến ba năm như thế. Nhưng bà Xe thì không nghĩ vậy. Đêm qua, trong giấc mơ, bà lại gặp Thiêm. Nó mặc bộ quần áo công nhân màu xanh, trông rất khỏe mạnh, vui vẻ. Nó chạy đến ôm lấy bà cứ thế nức nở hết khóc lại xin lỗi. Nó bảo nó thương và nhớ bà suốt ba năm nay. Nó hối hận vì bỏ đi mà không nói với bà một lời. Nó muốn về nhưng chưa có điều kiện. Nó hứa, Tết này sẽ về. Nó dặn bà cứ đùm bánh chưng, dọn cửa nhà cho tươm tất.

Bà Xe hôm nay khác hẳn mọi ngày. Đầu tiên bà xắn tay áo dọn mảnh vườn đầy cỏ dại cho quang quẻ. Tiếp theo, bà lau dọn bàn thờ gia tiên cho sạch sẽ. Cái giường đơn, nơi thằng Thiêm vẫn thường nằm ngủ, bà lau lau chùi chùi kỹ đến mức chẳng còn một hạt bụi. Rồi bà giặt giũ, phơi phóng chăn màn, áo quần. Bà còn đi chợ mua lá dong, gạo nếp, thịt lợn, dưa hành, hoa quả,... Về đến nhà, bà lại loay hoay chuẩn bị đồ để gói bánh chưng. Người làng qua lại nhìn vào, ai nấy trước thì ngạc nhiên sau thì mừng cho bà.

Hôm nay là ngày chuyến xe khách cuối cùng của năm cũ sẽ từ trong Nam về. Lòng bà Xe nôn nao, sốt ruột lạ lắm. Xe vừa về đến nhà, giọng Luân đã vang lên:

- Bác Xe ơi, bác Xe! Bà Xe lật đật hướng cái nhìn ra phía ngõ. Dáng người vừa xuống xe đích thị là Thiêm…

Truyện ngắn Thu Đình

Bình luận (0)

Viết lời bình mới:

Mã bảo vệ : (*)