Loading
Tìm kiếm trên Google

Ảnh mới nhất

Thăm dò ý kiến

Bạn suy nghĩ về mức độ thành công của các chương trình mà CLB Tấm Lòng Vàng đã thực hiện ?

bình thường
chưa đạt
tốt
hoàn toàn thành công

Lịch âm

Thư Pháp & Nghệ Thuật khác

Những ngôi chùa ấn tượng nhất Việt Nam (10:34 11-05-2012)

Bùi Thư

Chia sẻ: Kiểu đọc

(Kỷ lục) - Trong các ngôi chùa nổi tiếng nhất và được nhắc đến nhiều nhất trong lịch sử Việt Nam cũng như giới nghiên cứu trong và ngoài nước là chùa Một Cột ở Thăng Long xưa. Chùa khởi công xây dựng năm Kỷ sửu 1049, thời vua Lý Thái Tông, chùa Một Cột tên ban đầu là Diên Hựu (phúc lành dài lâu) có cấu trúc hình vuông, lợp ngói ta, mỗi cạnh 3m, bốn mái cong, bốn đầu đao được đắp hình đầu rồng (theo các nhà nghiên cứu, ban đầu đắp hình đại bàng Kim Sí Điểu). Toàn bộ đài được đặt trên trụ đá có đường kính 1,2m, cao 4m (chưa kể phần chìm dưới đất). Chùa Một Cột được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa quốc gia từ năm 1962.

Bạn có thể nghe bài viết: Những ngôi chùa ấn tượng nhất Việt Nam tại đây

 

Về niên hạn, cả về những câu chuyện liên quan đến nguồn thiền Việt Nam, thì phải kể đến ngôi chùa xưa nhất Việt Nam là chùa Pháp Vân (thường được gọi là chùa Dâu), tọa lạc ở xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh,cách Hà Nội khoảng 30km. Đây là ngôi chùa xưa nhất Việt Nam hiện còn tồn tại. Chùa là một danh lam bậc nhất của xứ Kinh Bắc, xây dựng thế kỷ thứ III ở vùng Dâu, thời thuộc Hán gọi là Luy Lâu - một trung tâm Phật giáo Việt Nam xưa nhất. Thiền sư Tì-ni-đa-lưu-chi (Vinitaruci) - người Nam Thiên Trúc, sang Trung Hoa đắc pháp với Tam Tổ Tăng Xán, được Tam Tổ chỉ dạy về phương Nam truyền đạo - đã đến chùa vào tháng ba năm Canh Tý (580), truyền bá pháp môn đốn giáo, kiến tánh thành Phật. 

 

Chùa Dâu (Bắc Ninh) - Ảnh: Võ Văn Tường

Về lưu giữ nghệ thuật tạo hình Việt Nam phải kể đến chùa Sùng Nghiêm thường được gọi là chùa Mía thuộc hệ phái Bắc Tông, tọa lạc ở làng Mía, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây (Hà Tây). Chùa cách Hà Nội khoảng 50km về hướng Tây, là một di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. Nét đặc biệt của chùa Sùng Nghiêm là có đến 287 pho tượng thờ, riêng tượng bằng đất nung chiếm 174 pho. Nhiều tượng ở chùa là những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng như : tượng Tuyết Sơn, tượng Di Lặc, tượng Bát bộ Kim Cương, tượng Bà Chúa Mía… Trong đó, pho tượng Quan Âm tống tử thường được gọi là tượng Bà Thị Kinh là một tuyệt tác về điêu khắc.

Dãy tượng La hán

Tượng Tuyết Sơn chùa Mía

Về chất liệu, một ngôi chùa chỉ xây toàn bằng đồng và có danh tiếng từ xưa tới nay là ngôi chùa trên núi Yên Tử. Đầu tiên, chùa do một bà phi của chúa Trịnh phát tâm cúng dường, có tên là Thiên Trúc tự. Toàn bộ chùa đúc bằng đồng nhưng chỉ ở dạng một khối đồng hình chữ nhật, cao 1,35m, đáy rộng 1,1m, dài 1,4m và được đặt ở vị trí cao nhất của dãy núi Yên Tử (1.068m so với mặt biển). Ngày 3.6.2006, chùa đồng được tạo dựng lại và được đúc bằng đồng nguyên chất, cũng nằm ở vị trí của chùa đồng cũ, diện tích gần 20m2, chiều cao từ cột nền tới mái là 3,35m, trọng lượng toàn bộ công trình nặng khoảng 70 tấn. Trong đó, mỗi viên ngói nặng khoảng 4kg, 4 cột chùa mỗi cột nặng 1 tấn. Quả chuông và khánh đồng nặng trên 250kg. Chùa Đồng mới lạc thành ngày 30.1.2007, đúng vào mùa trẩy hội Yên Tử hàng năm.

Về số lượng tượng Phật, phải kể đến chùa Vạn Phật Quang Đại Tòng Lâm do Hòa thượng Thích Thiện Hoa và Hòa thượng Thích Thiện Hòa khai sơn năm 1958, trùng tu năm 1982, cổng tam quan bằng đá xây năm 1974. Ngôi chánh điện mới xây năm 2002 tôn trí 9 pho tượng lớn bằng đá hoa cương. Chính giữa thờ tượng Di Đà Tam Tôn; tượng Thích Ca Tam Tôn. Ở cửa vào, thờ 2 tượng Hộ Pháp; ở bàn thờ Tổ thờ tượng Tổ Bồ Đề Đạt Ma. Cũng ở chánh điện, chùa còn tôn trí 10.000 tượng Phật theo kinh Vạn Phật làm bằng đồng mạ vàng và có tượng bằng vàng. Ngoài ra, tầng dưới ngôi chánh điện, chùa tôn trí 500 tượng đức Phật A Di Đà. 

Tượng Vạn Phật ở chùa Đại Tòng Lâm

Về đắp miểng sành, chùa An Phú (số 24 Chánh Hưng, quận 8, TP. HCM) xây vào những năm đầu thời vua Tự Đức (1848-1883), trải qua bao biến thiên của lịch sử đến năm 1960, ngôi cổ tự An Phú được tạo tác lại bằng muôn ngàn miếng sành đủ màu, đủ kiểu, đủ góc cạnh ước chừng 30 tấn các loại. Diện tích gắn sành là 3.886m2 theo các thời kỳ sau: Từ năm 1960 đến 1975: 1.078m2; Từ năm 1976 đến 1993: 1.869m2; Từ năm 1994 đến 2004 : 939m2. Tổng cộng có trên 20.000 ngày công để thực hiện công việc trên.

Về tượng La hán, phải kể đến bộ tượng La hán mang phong cách điển hình nhất của nghệ thuật điêu khắc Việt Nam thế kỷ XVIII là chùa Tây Phương. Chùa này có 62 pho tượng lớn nhỏ phần nhiều bằng gỗ mít, trong đó đặc biệt là các pho tượng La hán (thờ ở chùa Thượng) được các nghệ nhân tạo tác một cách tinh xảo. Những vị La hán này mang nét mặt khắc khổ từ bi với từng nếp nhăn trên vầng trán. Từ mạch máu đường gân thớ thịt, khớp xương, đôi môi, con mắt, đến trang phục đều được bàn tay nghệ nhân khắc họa sinh động. Bộ tượng gồm 18 vị tổ Thiền tông, từ tổ Ma Ha Ca Diếp đến tổ Xà Dạ Đa. Hai vị tổ Ma Ha Ca Diếp và A Nan Đà được đặt ở bàn Tam Bảo chùa Trung. Đây là những kiệt tác điêu khắc của nền mỹ thuật Việt Nam thế kỷ XVIII. 

Tượng La hán chùa Tây Phương

Ngôi chùa có phiến đá thời Trần lớn nhất Việt Nam, đó là chùa Bối Khê tên chữ là Đại Bi tự (Hà Tây) còn giữ được nhiều di vật của thời Trần ở tòa thượng điện, và tượng Bồ Tát Quan Thế Âm tạc vào thế kỷ XVI. Dù đã qua nhiều lần trùng tu, nhưng vẫn là một ngôi chùa gỗ mang dấu ấn của kiến trúc thế kỷ XVI. Trên sân trước chùa có một phiến đá lớn, mặt trên rộng 1,50m, dài 2,70m; mặt dưới rộng cạnh dài tạc phù điêu Lưỡng long hí cầu. Đây là phiến đá xanh chạm khắc từ thời nhà Trần và được gìn giữ đến nay.

Về ngôi chùa Phật giáo Nam Tông Việt đầu tiên ở Việt Nam, phải khẳng định đó là chùa Bửu Quang. Khi nghe tin người bạn là bác sĩ Lê Văn Giảng xuất gia theo Phật giáo nguyên thủy (Nam tông) ở Campuchia. Ông Nguyễn Văn Hiểu cùng các ông Nguyễn văn Quyền, Văn Công Hương đến vùng Gò Dưa, Thủ Đức tìm đất xây chùa chuẩn bị cho việc truyền bá Phật giáo Nam Tông. Năm 1938, chùa Bửu Quang được xây xong, khá đơn sơ. Năm 1940, ông Nguyễn Văn Hiểu xây lại chùa theo kiến trúc kết hợp Kh’mer, phương tây, Trung Quốc… nhưng vẫn gần gũi với kiến trúc - văn hóa Việt Nam. Năm 1947, chùa bị tàn phá do chiến tranh. Sau chiến tranh, chùa được xây dựng lại và tồn tại đến ngày nay.

Về ngôi tịnh xá khất sĩ đầu tiên của Việt Nam, đó là tịnh xá Ngọc Viên (Vĩnh Long) là một trong những dấu tích đầu tiên khai mở giáo pháp của Tổ sư Minh Đăng Quang được xây cách đây hơn 60 năm (cuối năm 1948) rộng gần 6.200m2. Tịnh xá thuộc Giáo đoàn 1 là Giáo đoàm Du tăng đầu tiên của Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam, nay là hệ phái Khất sĩ, một trong chín tổ chức thành viên tham gia Ban vận động thống nhất Phật giáo, thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày nay. Giáo đoàn 1 do Tổ sư Minh Đăng Quang thành lập năm 1944, trực tiếp thu nhận tăng ni xuất gia, hướng dẫn hành đạo. Trong mười năm hoằng pháp, Tổ sư đã chứng minh việc thành lập hơn 20 ngôi tịnh xá đầu tiên, thu nhận hơn 100 tăng ni xuất gia và truyền thọ tam quy ngũ giới cho hàng chục vạn tín đồ Phật tử tại gia. 

Về ngôi chùa có cây nhãn tổ đầu tiên ở Việt Nam là chùa Hiến (Hưng Yên) có tên chữ là Thiên Ứng tự tương truyền chùa xây từ thời Trần. Chùa Hiến nổi tiếng với cây nhãn Tổ nằm phía trước chánh điện. Đây là cây nhãn thường được chọn hái để dâng cúng Phật, cúng thần thành hoàng và tiến vua. Thân cây chính trước do già cỗi, ruỗng, đổ chỉ còn một nhánh. Nhánh cây này được chùa và người dân chung quanh đắp đất vun vào gốc, chăm sóc phát triển thành cây hậu duệ, hiện diện như một biểu tượng của giống nhãn đặc sản Phố Hiến – Hưng Yên. Cây cao khoảng 5m, gốc có chu vi 1,82m. Đặc điểm của cây nhãn là năm nào cũng cho quả. Cây nhãn được Hội làm vườn Việt Nam xác định trên 300 năm tuổi và ra quyết định công nhận số 232 ngày 10.10.1992 là cây nhãn tổ Việt Nam. 

Chùa Dơi

Ngôi chùa có đàn dơi đến sống đông nhất, đến nỗi dân chúng gọi tên chùa Dơi,đó là chùa Mahatup. Chùa Dơi tên chính theo tiếng Kh’mer là Wathseraytecho Mahatup (phiên âm là Mã Tộc) thành lập năm 1569. Chùa nằm trong khoảng không gian xanh rộng, cây cối ở đây cao to rất thích hợp để hàng vạn con dơi quạ đến cư ngụ suốt 200 năm qua. Dơi mới đẻ sải cánh đã dài tới 50cm, dơi trưởng thành sải cánh khoảng 1m và nặng xấp xỉ 1,5kg. Chúng treo mình trên những cành cây cao vào ban ngày, khi hoàng hôn buông xuống đàn dơi bay đi kiếm ăn, lúc trời sáng lại quay về đậu kín trên các cây trong khuôn viên chùa. Chúng không bao giờ ăn và phá hoại cây trái trong chùa. Chùa được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1999.

                                                                        Tây Tạng (tổng hợp) - kyluc.vn

Bình luận (0)

Viết lời bình mới:

Mã bảo vệ : (*)