Loading
Tìm kiếm trên Google

Ảnh mới nhất

Thăm dò ý kiến

Bạn suy nghĩ về mức độ thành công của các chương trình mà CLB Tấm Lòng Vàng đã thực hiện ?

bình thường
chưa đạt
tốt
hoàn toàn thành công

Lịch âm

Truyện - tùy bút

Chân quê(08:52 22-09-2012)

Bùi Thư

Chia sẻ: Kiểu đọc

Sáng sớm, đang ngái ngủ trên giường, Chanh phát hoảng vì ngửi thấy mùi gì khen khét, hăng hắc như nhựa ni lông cháy, pha cả hơi xăng. Chanh gọi toáng lên: “Ông ơi, cháy”. Bà Hà từ dưới bếp đi lên, điềm tĩnh nói: “Không phải cháy nhà đâu cháu, cháy quần áo đấy”. Chanh vẫn ngơ ngác: “Quần áo của ai, sao lại cháy ạ?”. Bà bật cười: “Quần cộc và áo hai dây của cháu, bà tiễn nó đi một đoạn”

Bạn có thể nghe bài viết: Chân quê tại đây

 

Ảnh minh họa : internet

Sáng vừa bảnh mắt, ông Văn đã ngồi chống một chân lên ghế, quờ quạng tìm que nứa châm đóm. Nghển cổ lên rít một bi thuốc lào, ông thấy tỉnh ngủ, sảng khoái hẳn. Bà xồng xộc vào nhà, vớ ngay chén nước vối ông Văn vừa rót, uống cạn một ngụm. Bà quắc mắt nhìn quanh quất khắp nhà, từ trong nhà ra ngoài ngõ như tìm kiếm cái gì đó. Ông Văn thấy lạ nhưng chưa vội hỏi. Chốc sau, bà quay lại, vừa quạt mạnh cái quạt mo vừa liến thoắng: “Ông xem thế nào chứ, cái Chanh nhà mình hỏng rồi ông ạ”. Ông Văn chẳng hiểu gì, nhíu mày lại như muốn bà nói rõ hơn.

Tiện tay, rót tiếp chén nước, bà Hà phân trần: “Ông ra mà xem, cả làng cả xã người ta đang bảo tôi và ông không biết dạy cháu”. Ông Văn bực mình hắng giọng: “Ơ hay, thế là có chuyện gì mới được chứ?”. Bà Hà cau có: “Đợi có chuyện gì thì mới hay à?”. Không đợi ông Văn phản ứng, bà tiếp lời: “Từ ngày, nó đi Nam học nghề cắt tóc, gội đầu, “neo niếc” gì về, ông thấy nó có còn chân phương như xưa nữa không?”. Ông Văn gật gù: “Ừ, thì tôi thấy nó thành thị, sành điệu hơn”. Bà nhìn ông Văn nhiếc một cái rõ xoáy: “Sành điệu cái gì, cũng phải vừa mắt chứ? Toàn quần bò cộc, ngắn đến tận rốn, áo ỡm ờ, đợi chờ thế kia, dức mắt ai mà chịu được?”. Ông Văn phân trần: “Thì tụi trẻ bây giờ nó thế, bà không thấy hoa hậu thi áo tắm tự nhiên như ruồi thế kia à?”. Bà Hà đặt cái chén đánh cạch: “Tức ông quá! Hoa hậu người ta cần phải săm soi từng “xen ti mét”, chứ cháu mình chân đất, mắt toét, phây phây ra như thế để thiên hạ nó “tế” cho à?”. Nói rồi bà bỏ ra đồng.

Ông đang trầm ngâm, trong đầu trống rỗng, chưa nghĩ cái gì ra cái gì thì chiếc xe máy đỗ nhanh trong sân nhà ông, đá chân chống cái rập. Cô cháu gái vào nhà. Chanh của bây giờ, phải nói đã lột xác hoàn toàn. Dáng người cao ráo, nở nang, làn da trắng trẻo, mái tóc vàng cháy màu sét đánh, đôi mắt kẻ mày lúng liếng, nụ cười đon đả, hương nước hoa xa xỉ, đôi môi đỏ chót, móng tay cầu vồng...

Đặc biệt, cái sự hở của Chanh thì lúc này ông Văn mới thực sự “đỏ mặt”. Cái áo hai dây rộng thùng thình, khi cúi xuống vô tư để lộ nguyên hàng hiệu, nhãn Vera hẳn hoi. Cái cạp quần trễ đến tận… giờ để ý ông mới thấy. Ông lắc đầu ngao ngán, nghiêm giọng nói: “Chanh này, nhà mình nóng lắm phải không cháu?”. Chanh hồn nhiên đáp: “Đâu, cháu thấy nhà mình nhắm hướng gió nam, mát lắm mà?”. Ông nói luôn: “Thế sao cháu mặc hớ hênh thế?”. Lúc này, cô cháu gái mới hơi xấu hổ, mặt hơi ửng đỏ nhưng chống chế thì không vấp câu nào: “Ở trong Nam, cháu mặc thế này quen rồi ông ạ. Mà người ta toàn thế, có sao đâu ông?”.

Ông Văn chùng giọng lý giải: “Người ta khác, mình khác, cháu về làng phải ăn mặc kín đáo một chút, cứ lồ lộ như thế, các bà lại nói cho”. Chanh hắt chén nước cặn ra sân, ngụy biện: “Ôi dào, ông nghe họ, sống làm sao được?”. Ông lớn tiếng: “Người ta nói đúng thì mình nghe, ngày xưa cháu chân phương, khép nép có ai nói gì đâu, người ta còn khen nữa”. Chanh vẫn trương cổ cãi: “Thời buổi bây giờ, mấy ai thế nữa đâu ông, chỉ có mấy bà thôi”. Ông Văn khoát tay: “Ông nói một lần thôi. Ông còn nói là ông còn thương, chứ bà mày mà về thì liệu đấy”.

Dường như móc trúng tim đen, cô nàng tai tái mặt, dịu giọng hỏi: “Ông ơi, bà có nói gì không ạ?”. Ông Văn tủm tỉm cười: “Có đấy, bà bảo lô cốt mới khó đánh, chứ thiếu vải như thế thì... cháu về mà hỏi bà ấy”. Chanh cười thành tiếng: “Ông này... cháu ra đầu làng chơi đây ạ”. Nói xong, nhanh như sóc, Chanh ra xe, nổ máy đi thẳng, ông Văn còn chưa kịp bảo cháu thay đồ cẩn thận. Ông ngán ngẩm ngồi nhìn theo chiếc xe đang xa dần, chỉ kịp để lại hơi xăng đến buồn nôn.

Gần giữa trưa, bà Hà đi tát nước về, vừa kịp lo bữa trưa. Vừa làm bà vừa hầm hầm nói với ông: “Ông Văn này, chuyện cái Chanh sáng tôi nói với ông ấy, tôi đã có cách rồi!”. “Bà có cách gì?”. “Rồi ông sẽ biết!”…

Bữa trưa, cả nhà ăn uống vui vẻ. Ông Văn đợi mãi, chẳng thấy bà Hà động tĩnh gì, còn Chanh thì hí hửng, cứ nghĩ bà không khó dễ gì với mình. Bà Hà đon đả gắp thức ăn cho Chanh, miệng xuýt xoa: “Da cháu trắng như thế, phải ăn nhiều rau mới chống lại được ánh nắng mặt trời. Tia gì mà trên báo người ta nói có hại lắm ông nhỉ?”. Ông Văn cười suýt sặc cơm, nhưng hiểu thâm ý của bà, ông bồi vào: “Tia tử ngoại, tia cực tím gì đó”. Đến nước này, Chanh bắt đầu nhận ra mình đang bị nhắc khéo.

Sáng sớm, đang ngái ngủ trên giường, Chanh phát hoảng vì ngửi thấy mùi gì khen khét, hăng hắc như nhựa ni lông cháy, pha cả hơi xăng. Chanh gọi toáng lên: “Ông ơi, cháy”. Bà Hà từ dưới bếp đi lên, điềm tĩnh nói: “Không phải cháy nhà đâu cháu, cháy quần áo đấy”. Chanh vẫn ngơ ngác: “Quần áo của ai, sao lại cháy ạ?”. Bà bật cười: “Quần cộc và áo hai dây của cháu, bà tiễn nó đi một đoạn”.

Chanh hoảng hồn, thắc mắc: “Sao bà lại làm thế?”. Bà Hà khuyên giải: “Bà xin lỗi, bà không còn cách nào khác ngoài hạ sách này. Sáng nay, chở bà lên tỉnh sắm quần áo mới, mua hẳn cho cháu mấy bộ. Sướng chưa?”. Chanh tiu nghỉu, vừa căm ghét lại vừa thấy bà quá tai quái, đáng yêu. Cô nhớ về hình ảnh của mình ngày xưa, chân chất, đoan trang và thùy mị. Tự dưng một cảm giác đổi khác choán ngợp tâm trí cô, bần thần ngồi lại trên giường, vân vi tà áo, cô phân vân không biết sẽ mua gì ở phiên chợ sáng nay.

Trang Thái Hà (qdnd.vn)

Bình luận (0)

Viết lời bình mới:

Mã bảo vệ : (*)