Loading
Tìm kiếm trên Google

Ảnh mới nhất

Thăm dò ý kiến

Bạn suy nghĩ về mức độ thành công của các chương trình mà CLB Tấm Lòng Vàng đã thực hiện ?

bình thường
chưa đạt
tốt
hoàn toàn thành công

Lịch âm

Truyện - tùy bút

Sợ lắm cơn mưa chiều(09:00 25-09-2013)

Bùi Thư

Chia sẻ: Kiểu đọc

Trời lại mưa, mùa này Huế buổi chiều thường có mưa giông. Những cơn mưa tạt ngang thành phố xua tan đi cái oi nồng của những ngày cuối hạ. Tháng Bảy về rồi! Tôi nghe mưa ào ào trên mái tôn mà trong lòng lo lắng không yên. Không biết, giờ ở chợ một mình mẹ xoay sở như thế nào?

Bạn có thể nghe bài viết: Sợ lắm cơn mưa chiều tại đây

Tôi lớn lên, được ăn học đàng hoàng nhờ đôi quang gánh của mẹ. Lúc ấy tôi còn rất nhỏ, nhà có ba chị em, thằng út chỉ vừa tròn sáu tháng tuổi. Ba tôi thường không có ở nhà, ba đi rừng với những chuyến đi dài, và tôi nhớ, những lúc nghe tin ba về mấy chị em tôi vui lắm. Tôi nhớ như in ngày đầu tiên mẹ đi buôn rau muống. Mẹ đi ra đồng rau khi chuông chùa vừa ngân lên những hồi đầu tiên. Mẹ thúc tôi dậy ngồi ru em. Ánh đèn dầu leo lét, tiếng gà gáy, tiếng chuông chùa và tiếng khóc của thằng út vang vang trong đêm vắng. Sáng hôm đó, mẹ đi chợ về rất sớm. Mẹ mua cho tôi một ổ mì. Đó là lần đầu tiên, tôi được ăn một ổ mì ngon đến vậy. Rồi mẹ ngồi cho em bú. Tôi vừa ngồm ngoằm nhai mì vừa hỏi mẹ

- Sao mẹ đi buôn mà mẹ về sớm vậy?

Mẹ nhìn tôi, cười hiền lành

- Mẹ xuống đồng cắt được hai chục bó rau, ra sông rửa rồi gánh từ dưới đó lên thì hết. Ai thấy cũng mua giúp hết con à. Hôm nay bán lãi được sáu ngàn đó con.

Mẹ nói và cười rất tươi. Cũng đúng thôi, với gia đình tôi lúc ấy, sáu ngàn là một số tiền rất lớn. Bởi có nhiều lúc, mẹ đút cháo cho thằng út mà ánh mắt mẹ buồn da diết, mẹ bảo: “Mẹ không có được 200 đồng mua đường cho em ăn, cứ cho em ăn muối hoài, tội nghiệp…!”.

Những tháng ngày cứ như vậy mà trôi qua, chúng tôi lớn lên. Mẹ vẫn tần tảo bán buôn. Mùa lụt, khi những cánh đồng rau muống quê tôi nước ngập đầy, mẹ chẳng thể lội xuống đồng mà cắt rau nữa, may mắn mẹ được một người quen rủ mẹ đi chợ đầu mối mua rau cải về bán. Từ ngày đó tới giờ, thấm thoát cũng đã hơn hai mươi năm, giờ mẹ đã già, tóc mẹ đã có nhiều sơi bạc, nhưng dường như chưa bao giờ tôi nghe mẹ nói đến việc nghỉ ngơi.

Tôi thương lắm những ngày mùa đông, khi cái rét căm căm thấm vào từng tế bào của cơ thể. Mùa đông Huế da diết bởi vừa lạnh, vừa mưa. Và mẹ tôi, vẫn cư đều đặn ba giờ sáng lại phải dậy đi chợ sớm. Tôi thương lắm bởi những gánh gồng mưu sinh, nhiều lúc nhìn cục cơm nguội, và bịch muối tiêu mẹ mang theo mà ứa nước mắt. Tôi ghét những mùa đông xứ Huế, bởi cứ qua một mùa đông tôi lại thấy sức khỏe của mẹ giảm sút rõ rệt.

Tôi thương lắm những ngày mẹ ngồi bán tạm bợ phía ngoài rìa chợ. Xe to cứ chạy vào, chạy ra ào ào bởi đó là đường đi vào một công ty sửa chữa xe cẩu. Những lúc xe vào, ra… mẹ lại vừa bán, vừa dọn hàng tấp vội vào trong. Có khi chẳng dọn kịp, xe cán qua nát bét cả rổ rau và hất tung cả rổ dưa. Mẹ lại lui hụi ngồi gom những trái dưa lăn lóc lại, mồ hôi và nước mắt mẹ cứ chảy dài, da diết.

Sau bao năm buôn bán, cuối cùng mẹ cũng có được một chỗ ngồi ổn định ở chợ, không phải lo những ngày nắng gắt rau cải héo queo, những ngày mưa, nước chảy xiết phải kê cao những rổ hàng bằng những viên gạch vỡ. Cũng không còn phải luôn chân luôn tay dọn dẹp khi mỗi chuyến xe qua. Nhưng, nỗi lo này vừa đi qua, thì nỗi lo khác liền ập tới. Chợ đò ngày càng ế ẩm, bởi có nhiều người bán nhưng ít người mua. Siêu thị mọc lên quá nhiều làm cho những người quanh năm kiếm cơm ở góc chợ như mẹ tôi không ít lần lo lắng cho cuộc sống ngày mai của mình. Mẹ tôi không còn đi chợ một buổi nữa, mà ở chợ luôn cả ngày mới mong bán được hết hàng. Và những buổi chợ chiều, mẹ tôi thường dọn hàng ra phía trước, ngay gần đường đi để mong bán được nhiều hơn.

 

Rồi một ngày, tôi lấy chồng. Ngày đưa dâu, tôi cố gắng không ngoái đầu nhìn lại phía sau. Tôi sợ tôi sẽ khóc. Tôi sợ tôi nhìn thấy mẹ khóc thì sẽ không cầm được nước mắt. Mẹ vẫn vậy, vẫn lùi lũi với chợ búa, với cơm áo mưu sinh.

          Ngày tôi sinh con đầu lòng, mẹ nghỉ chợ cả tuần để theo tôi vào bệnh viện, dẫu biết rằng chỉ cần mẹ nghỉ chợ một ngày thôi, bữa cơm gia đình tôi đã khác rất nhiều. Và tôi, trong cái cơn đau tận cùng để được làm mẹ, để hiểu và thấm tấm lòng của mẹ dành cho tôi. Trong cái lằn ranh mê sảng của cơn đau đó, từ tận trong tiềm thức, tôi đã gọi: “Mẹ ơi, cứu con...”.

Giờ tôi đã làm mẹ, đã đi đến tột cùng của đớn đau, đã nếm trải những đêm thức trắng vì con ốm, và đã trải qua tất cả những cung bậc của người mẹ, tôi mới thấm thía và thương quý mẹ tôi nhiều hơn. Kinh Phật có nói: “Sinh con mới hiểu lòng cha mẹ”, quả chẳng sai chút nào.

Dạo này mẹ bệnh triền miên. Tôi đã tự hứa với mình sẽ để dành tiền mua cho ba mẹ cái thẻ bảo hiểm y tế. Vậy mà mãi chẳng để dành được… Chỉ nghĩ thôi đã ứa nước mắt. Bên ngoài mưa đã vơi bớt, chợt như có tiếng ai đang hát vọng tới: “Hôm nay cõng mẹ đi chơi, một mai ngồi khóc bên trời. Hôm nay cõng mẹ đi chơi… một mai mẹ bỏ con rồi…mẹ để con mồ côi…”. Tôi nghe mà sao da diết quá.

Tháng Bảy, một mùa Vu Lan nữa lại về. Nghĩ về mẹ, tôi thấy buồn khôn xiết nhưng lòng chợt vui khi biết trên ngực áo mình vẫn còn được cài bông hoa hồng màu đỏ. Tôi tự nhắc mình phải cố gắng nhiều, nhiều hơn nữa để sắc đỏ ấy sẽ thắm trên ngực áo mình được lâu hơn. Và để tôi không còn sợ lắm khi mưa chiều ạt ào về xứ Huế…!

                                                               Nam Giao (Hương Từ Bi tập 18)

Bình luận (0)

Viết lời bình mới:

Mã bảo vệ : (*)